Friday 24 July 2009

Hiểm hoạ từ bình sữa

Ngày 08.07.2009 Giờ 15:59

Dinh dưỡng

Hiểm hoạ từ bình sữa

Trẻ bú sữa bình thường xuyên rất dễ bị sâu răng (ảnh chỉ có tính chất minh hoạ). Ảnh: Hồng Thái

SGTT - Mua nhầm bình sữa không an toàn và pha chế sữa không đảm bảo vệ sinh, nhiều phụ huynh đã vô tình gây nên các nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ

Tại các bệnh viện nhi, số trẻ phải cấp cứu do các bệnh liên quan đến tiêu hoá (tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, loét dạ dày, ngộ độc thực phẩm…) luôn nằm trong danh sách những bệnh có bệnh nhân cao nhất trong ngày.

Bú sữa kiêm bú vi trùng

Trung bình mỗi ngày tại bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hoá từ 50 – 70 trẻ. Vào mùa nóng có ngày lên đến gần 100 trẻ. GS.TS Nguyễn Gia Khánh, chủ nhiệm khoa tiêu hoá cho biết, theo thống kê tại bệnh viện, 68% trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi mắc tiêu chảy cấp đều có nguyên nhân bú sữa bình. Ở lứa tuổi 13 – 24 tháng, tỷ lệ này chiếm 84,2%.

Cũng theo bác sĩ Khánh, các nguy cơ lây bệnh cho trẻ ăn sữa qua bình và vú cao su phần lớn là do nước dùng rửa bình, pha sữa không vệ sinh. Người pha sữa không rửa tay hoặc rửa không sạch, sữa cất giữ nơi không an toàn. “Để bảo vệ trẻ, sau khi trẻ bú xong, bình và núm phải được ngâm trong nước sạch. Rửa bình bằng bàn chải có cán để cọ cả phần đáy bình. Luộc sôi năm phút bình và núm trước khi pha tiếp. Phải rửa tay bằng xà phòng trước khi pha sữa. Đặc biệt không được lấy nước bình thuỷ tráng bình vì nhiệt độ nước bình thuỷ không thể giết chết vi khuẩn còn sót trong bình sữa…”, bác sĩ Khánh lưu ý. Cũng theo bác sĩ Khánh, nếu có điều kiện phụ huynh nên cho trẻ ăn sữa bằng thìa và ly. Việc này không những giúp giảm các bệnh tiêu hoá mà còn hạn chế một số bệnh răng miệng thường gặp ở trẻ bú bình: sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, nấm miệng…

Cảnh giác bình sữa có BPA

Cách phân biệt bình có chất BPA

Bằng mắt thường, người tiêu dùng có thể chú ý một vài đặc điểm như: nhựa polycarbonate thường khá cứng, nhìn trong suốt vì có chất BPA. Nếu dưới đáy bình có biểu tượng có nghĩa là bình làm bằng nhựa polycarbonate. Các sản phẩm làm bằng nhựa polypropylene nhìn sẽ đục hơn và mềm hơn. Bình sữa được làm từ nhựa polypropylene sẽ có chữ PP hoặc biểu tượng ở dưới đáy bình.

(theo khoahoc.net)

Theo bác sĩ Trương Ngọc Dương, chuyên khoa nhi, quân y viện 103, để bảo vệ sức khoẻ của trẻ tốt nhất, phụ huynh nên hạn chế sử dụng bình sữa, đặc biệt với trẻ dưới bốn tháng tuổi nên cho bú mẹ hoàn toàn. “Trong trường hợp phải dùng bình sữa cho trẻ ăn ngoài thì nên chọn những loại bình của các nhà sản xuất có uy tín, thương hiệu lớn. Tránh chọn những bình sữa làm từ nhựa có Biphenol-A (BPA), là chất sản xuất nhựa polycarbonate” bác sĩ Dương lưu ý. Một báo cáo mới đây của tổ chức bảo vệ môi trường Chemtrust (Anh), tổng hợp từ hơn 250 nghiên cứu trên toàn thế giới về tác hại của hoá chất BPA, cũng đã cảnh báo mối nguy hiểm làm biến đổi giới tính từ những sản phẩm nhựa có chất này. Một số nghiên cứu khác còn cho thấy BPA có liên quan đến phát triển một số loại ung thư, gây biến đổi nội tiết.

Cũng theo bác sĩ Dương, khi vệ sinh bình sữa bằng nhựa, phụ huynh không nên luộc, đun sôi trong nhiệt độ cao, mà chỉ cần tráng rửa sạch sẽ sau khi trẻ xài xong. Phải đặc biệt chú ý rửa sạch bộ núm vú, các van, vòng chống sặc đi kèm vì vi khuẩn dễ bám ở những khe nhỏ. “Nên sử dụng loại bình có công nghệ diệt khuẩn, hoặc tốt nhất là bình thuỷ tinh để tránh các thành phần độc hại có thể lan ra sữa, gây hại cho trẻ”, bác sĩ Dương nói.

Quý Cát

Sữa pha xong cho trẻ bú ngay

Người pha chế sữa không để móng tay dài vì đó là nơi lý tưởng cho vi khuẩn ẩn náu. Dùng sữa trong vòng bốn tuần sau khi mở hộp. Sữa khi pha xong nên cho trẻ bú ngay. Mặc dù có thể bảo quản sữa đã pha trong tủ lạnh tối đa 24h nhưng chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn từ các thức ăn sống kế cận. Khi thử nhiệt độ sữa trong bình, không nên dùng miệng thử trực tiếp vào dụng cụ chứa sữa, chỉ nên dốc ngược bình sữa và nhỏ vài giọt lên lưng bàn tay, nếu thấy ấm là cho trẻ bú. Đổ bỏ lượng sữa còn dư sau mỗi cữ bú.

source

http://www.sgtt.com.vn/detail34.aspx?ColumnId=34&newsid=53870&fld=HTMG/2009/0707/53870

No comments:

Post a Comment