Wednesday 11 November 2009

Người bệnh tâm thần tăng nhanh


Cuộc sống căng thẳng


SGTT - Từ tháng 5.2007 đến 9.2009, bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) đã tiếp nhận 525 trường hợp tự tử. Trong khi đó, tại bệnh viện Tâm thần kinh TP.HCM mỗi ngày có gần 400 bệnh nhân đến khám. Theo các bác sĩ, số người chán sống, lo âu, trầm cảm đang ngày một tăng.

Bình quân mỗi ngày có khoảng 400 người đến khám tại bệnh viện Tâm thần kinh TP.HCM

Tại bệnh viện Tâm thần kinh TP.HCM, số người đến chữa trị về các bệnh tâm thần không ngừng gia tăng trong các năm gần đây. Nếu năm 2006 có 47.046 người đến khám và điều trị thì năm 2007 con số này tăng lên 53.240 người, năm 2008 là 63.546 người. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2009 đã có tới 58.366 người đến khám, trong đó 17.864 người mắc bệnh trầm cảm, 20.268 người căng thẳng, lo âu...

Khùng vì áp lực

Chị N.T. Lan, 29 tuổi, là công nhân may công nghiệp, làm việc từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối mỗi ngày. Hồi đầu năm chị bị thất nghiệp nên toàn phải ăn mì tôm, suốt ngày lo lắng tìm việc. Khi có việc, chị lao vào làm ngày làm đêm kiếm tiền để dành phòng khi thất nghiệp. Khoảng mấy tháng nay chị hay bị ngất xỉu, thỉnh thoảng khó thở, hồi hộp lo lắng, uống thuốc cả tháng vẫn không khỏi. Chị quyết định đi khám bác sĩ, kết quả xét nghiệm hoàn toàn bình thường. Đến bệnh viện Tâm thần kinh, bác sĩ chẩn đoán do chị lo lắng quá mức, suy nhược thần kinh.

Theo bác sĩ Phạm Văn Trụ, phó giám đốc bệnh viện Tâm thần kinh TP.HCM, trước đây do quan niệm của người dân chưa đầy đủ về bệnh tâm thần, họ cho rằng bệnh tâm thần chỉ có ở những người bị điên, khùng không quản lý được và hay lang thang ra đường. Thời điểm đó, ở các phòng khám chỉ có 40 người đến khám mỗi ngày. Nay, xã hội công nghiệp phát triển, sức ép lên hoạt động tâm thần ngày càng lớn, số người có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm ngày càng tăng, mỗi ngày có gần 400 người đến khám. Trẻ em mắc chứng này cũng tăng, mỗi tuần có khoảng 500 trẻ đến bệnh viện, trong đó nhiều trẻ bị trầm cảm, lo âu do áp lực từ học hành, từ cha mẹ.

Theo các bác sĩ, do kinh tế, xã hội phát triển, con người tập trung vào guồng máy, đam mê và thăng tiến nên căng thẳng, lo âu, với biểu hiện như mệt mỏi, dễ cáu gắt, nhức đầu, khó ngủ, đau gáy, hay hồi hộp, lo sợ, kém ăn, táo bón... Các triệu chứng này kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, là nguồn gốc của nhiều chứng bệnh nghiêm trọng khác, có thể dẫn tới những hành động không sáng suốt. Nhiều trẻ bị căng thẳng, lo âu, trầm cảm và dẫn đến tự tử.

Một nghiên cứu về hành vi tự tử ở các bệnh nhân chữa trị tại bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cho thấy nữ giới có chiều hướng tự tử nhiều hơn nam giới (chiếm 72%), công nhân chiếm tỷ lệ khá cao (trên 21%)

Cũng theo bác sĩ Trụ, nếu những áp lực, nguyên nhân gây bệnh kéo dài thường xuyên sẽ dẫn đến bệnh trầm cảm thật sự, để lâu không có hy vọng chữa khỏi. Vì thế, sau những lúc bị căng thẳng quá sức, mỗi người cần có thời gian thư giãn bằng việc nghỉ ngơi ngắn, nghe nhạc hay chơi một môn thể thao nào đó để “xả” căng cho đầu óc.

Tự tử vì áp lực và căng thẳng

Một vú nuôi đưa N.T.S (học sinh lớp chín, nhà ở quận 4) đến chữa bệnh tại bệnh viện Tâm thần kinh, kể: “S. là con một trong gia đình giàu có, mẹ thì có cổ phần, cổ phiếu, ba làm lãnh đạo ở nhà máy ximăng. Tuy nhiên, ba mẹ thằng nhỏ không hoà thuận, thường cãi nhau và họ mới nộp đơn ra toà, nghe đâu ba nó có bồ. S. thì học suốt ngày ở trường, đêm còn học thêm với gia sư. Không hiểu sao mấy tháng nay S. lặng thinh, không nói chuyện với ai. Hôm vừa rồi, mẹ nó vô tình quát lớn, thế là nó khóc nức nở và nói rằng: “Con sẽ chết cho ba mẹ được sung sướng!” Thế là mẹ nó sợ, nói tôi đưa đến bệnh viện để bác sĩ khám xem sao.

Một trường hợp khác, chị L.T.M.T, 35 tuổi, quận Bình Thạnh, giáo viên dạy cấp 2. Chị T. hiện có một cô con gái, gia đình không được hạnh phúc, vợ chồng thường xuyên bất hoà, lục đục. Lúc nào chị cũng trong tâm trạng căng thẳng. Vì vậy, đến trường giảng dạy, chỉ cần học sinh có thái độ nói năng không lễ phép, không học bài thì chị có những thái độ thái quá, như: chửi nặng lời, ném tập… Học sinh sợ sệt, về nhà báo lại với gia đình, phụ huynh bức xúc lên làm việc với nhà trường và kỷ luật cô giáo. Từ đó cô càng căng thẳng, bức xúc, tự ti, không ai có thể chia sẻ và tư vấn cho cô. Bạn bè giới thiệu cô đến bệnh viện Tâm thần kinh, bác sĩ làm trắc nghiệm tâm lý và trò chuyện. Cuối cùng chị cũng nói: “Nhiều lần tôi đã có ý định tự tử…”

bài và ảnh Hoàng Nhung
Source
http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=59264&fld=HTMG/2009/1110/59264

No comments:

Post a Comment