Wednesday 11 November 2009

Cô hàng cà phê thời hiện đại

Cập nhật lúc 4:34:49 AM - 29/10/2009

CoHangCafe.jpg

Khi còn là cô sinh viên độc thân, vui tính – ảnh tài liệu gia đình.

Phụng Linh/Viễn Đông


Từ Montreal, Canada sang Nam California du lịch vào năm 1995, cô sinh viên Nguyễn Thị Bích Phượng - con gái của một gia đình Việt có 6 con gái - tình cờ gặp được ý trung nhân, một nhà xây dựng. Cô ở lại Quận Cam để bắt đầu cuộc đời làm vợ và làm mẹ.

Cô nhớ lại, thuở ấy Little Sài Gòn không thiếu quán cà phê trữ tình dành cho nam giới, nhưng chưa có chỗ dành cho khách lui tới uống cà phê, dùng điểm tâm sáng, vui vẻ trò chuyện thú vị để khởi đầu một ngày mới. Phượng và hai chị ruột cùng hùn vốn mở quán cà phê - bánh mì kiểu châu Âu: một ly cà phê bốc khói thơm lừng, một mẩu bánh mì nóng giòn với những món đi kèm như bò kho, bò lúc lắc... đủ cho ít phút nhàn tản buổi sáng trước giờ làm việc.

Quán Coffee Factory tọa lạc tại thành phố Wesminster ra đời, đến nay đã được 13 năm. Cơ sở mở rộng gấp đôi, nhân viên đông thêm, nhưng cô hàng cà phê vẫn ngày ngày ở quán: khi đứng sau quầy tính tiền, lúc thoăn thoắt bê thức ăn đến tận bàn cho khách.

Viễn Đông: Theo cô, để "buôn may bán đắt" ở Little Sài Gòn, vùng đất cạnh tranh quyết liệt như thế này, kể cả giữa người Việt với nhau, nhất là món cà phê - bánh mì thì người kinh doanh ắt phải có nhiều kinh nghiệm?

Bích Phượng: Với chúng tôi, kinh nghiệm không hề sẵn có. Trước nhất, chúng tôi lấy tâm lý của mình tự hỏi xem mình có chịu bỏ tiền ra dùng món ăn này không. Muốn giữ được khách, quán phải giữ đúng phẩm chất ban đầu, không được gia giảm.

Phải lựa từng miếng thịt tươi để nấu thì món ăn sẽ ngon. Tôi ăn ở ngoài nhiều lắm, cho nên thử món nào thấy ngon thì biết rằng món đó sẽ được khách chấp nhận. Mới đầu, chúng tôi cũng vất vả một thời gian với món bò kho, nhưng thời gian sau thì tình hình được cải thiện dần. Tiền nào của nấy. Lựa thực phẩm ngon, bỏ công chế biến sẽ cho ra thức ăn ngon. Thực phẩm tươi đắt tiền hơn một tí, hoặc mua cà phê hạt đắt tiền, pha chế trước mặt khách làm bốc mùi thơm nghi ngút mới thành công. Chúng tôi không nấu dồn để bán nhanh, và chọn bánh mì thơm, giòn hơn, đắt tiền hơn nơi khác 1 - 2 đồng; paté thì nhập cảng từ Pháp sang. Chúng tôi chịu khó bỏ công nhiều hơn. Nói tóm lại là phải mua đồ tươi, đắt tiền, phải nấu cho khéo. Một kinh nghiệm nữa là phải thích nghề này thì mới làm được.

Nhiều nhà hàng sống chật vật vì họ tùy thuộc người đầu bếp. Còn quán chúng tôi dựa vào sự khéo léo của chính mình, từ hai bàn tay trắng làm nên. Từ nhỏ chúng tôi đã biết và thích làm bếp.

Viễn Đông: Có khi nào quán cô bị chê trách và cô giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Bích Phượng: Khách là người quyết định mức độ thành công của quán. Nếu được góp ý, chúng tôi lắng nghe và ăn thử rồi xem xét việc sửa chữa để làm hài lòng khách.

Viễn Đông: Khoảng một năm nay, nhiều quán ăn đại hạ giá món ăn, có lúc tới 50% giá cũ để thu hút khách. Liệu cô có nghĩ đến việc áp dụng phương cách đó nhằm mang thêm khách đến với quán của mình?

Bích Phượng: Thấy quán khác đông khách nhờ hạ giá bán, chúng tôi chú ý cải thiện món ăn cho ngon hơn, chứ không giữ khách bằng cách giảm giá món ăn.

Viễn Đông: Mở nhà hàng là một công việc cực nhọc, nhức đầu vì những con số, cân, đong, đo, đếm sao cho "thu đủ để chi", liệu cô có tìm được niềm vui ở công việc này không?

Bích Phượng: Được lặt rau, dọn bàn... đón khách mỗi ngày đủ vui rồi. Thấy khách dùng hết dĩa thức ăn, rất vui. Theo tôi, phải rất yêu nghề thì mới thành công. Nào là tiền bạc, sổ sách cân đối, phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh... Nhà hàng là hoạt động rất phức tạp. Nhà hàng lâu đời mà vẫn thành công thì rất đáng khâm phục. Tôi không hề ganh tị với sự thành công của các đối thủ, vì tôi hiểu muốn quán luôn đông khách thì người chủ quán phải nếm trải biết bao cực nhọc.

CoHangCafe3.jpg


Đứng sau quầy tính tiền cho khách – ảnh: Phụng Linh/Viễn Đông.

Viễn Đông: Vừa làm người điều hành nhà hàng, vừa phải làm vợ và làm mẹ hai đứa con nhỏ, làm sao cô có thể dung hòa được những trách nhiệm này trong một khoảng thời gian eo hẹp mỗi ngày?

Bích Phượng: Việc ở nhà hàng còn có mẹ và chị giúp. Tính ra, tôi có từ 8 - 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày ở quán. Đưa con đi học rồi tôi đến đây, làm việc đến 2 giờ chiều thì đi rước con, cho ăn uống, chỉ dẫn làm bài. Cho đến 4 - 5 giờ thì rời quán để đưa con đi bơi, đánh tennis. Khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ sau lại đón con về nhà.

Viễn Đông: Làm dâu trăm họ ở nhà hàng rồi, về nhà cô vẫn phải "làm dâu" nữa chứ?

Bích Phượng: Từ nhà hàng về nhà, tôi lao vào bếp. Với tôi, bữa ăn gia đình rất quan trọng, dù bận cách mấy cũng phải nấu ăn cho cả nhà. Ngay cả gia đình chị em chúng tôi mỗi tuần cũng phải gặp nhau, ăn chung 3 - 4 lần. Chúng tôi ít bạn, ít tiếp xúc với người bên ngoài, mà quây quần hạn hẹp trong gia đình. Dành thời gian cho con cũng hết ngày, hết giờ.

Viễn Đông: Ông xã làm gì trong khi cô bận rộn với nhà hàng, với con như thế?

Bích Phượng: Có hôm ông xã ra quán ăn trưa thấy khách đông thì cũng phụ dọn dẹp bàn ghế. Quán hư cái gì cũng nhờ anh sửa chữa giùm. Quán này do chính anh thiết kế đấy.

Viễn Đông: Săn sóc con có cực như việc ở nhà hàng không?

Bích Phượng: Con trai lớn của chúng tôi 11 tuổi, thằng nhỏ 8 tuổi. Từ ngày có bầu đã cực rồi. Tôi thích con gái lắm nhưng chỉ được hai thằng con trai. Dẫu sao thì có con là mừng rồi, mỗi đứa dễ thương một kiểu khác. Mệt nhất là những khi nó không chịu nghe lời mẹ. Mỗi ngày, tôi đưa cháu đi học, ủi từng cái áo, lo ăn, cơm nước, sắp xếp để cháu đi bơi, dạy cháu học, ngồi chờ cháu đánh tennis. Nhiều người nói làm sao có thể ngồi chờ hàng giờ như vậy. Nhưng tôi lại vui khi thấy con mình hoạt động. Cực trí mới mệt, còn cực tay chân thì không sao. Tối nào tôi cũng mong mau đến ngày mai, để mình làm việc tốt hơn ngày hôm qua. Suy nghĩ đó làm tôi cảm thấy luôn thú vị.

CoHangCafe2.jpg


Cùng chồng và hai con trai – ảnh tài liệu gia đình.

Viễn Đông: Mỗi khi con không nghe lời mẹ thì cô làm sao?

Bích Phượng: Nó không nghe lời thì cũng phải phạt, nhưng trước hết phải giải thích để nó hiểu nó không đúng chỗ nào, rồi chỉ cho con thấy nên làm như thế nào mới phải để cho mẹ vui.

Viễn Đông: Cô có kinh nghiệm gì giúp cho con của mình trở nên ngoan ngoãn, chăm học, biết vâng lời cha mẹ, nói tóm lại là biết phân biệt đúng - sai, phải - trái và biết làm điều phải?

Bích Phượng: Phải săn sóc con mình cẩn thận khi cháu còn nhỏ. Cũng có những đứa trẻ thiên khiếu thông minh, nhưng hầu hết khi được sinh ra đều có trạng thái thể chất giống nhau. Sự phát triển trí khôn, thể lực ở mỗi đứa nhanh hay chậm phần lớn do người mẹ. Mẹ đưa con đi khám bệnh, bác sĩ chỉ ngó, sờ một cái không thể biết rõ tình trạng của con hơn người mẹ. Bác sĩ chỉ chữa chạy cho con tức thời, nhưng trong ngày dài tháng rộng, chỉ có bàn tay người mẹ mới tạo nên sự cứng cáp cho con.

Viễn Đông: Nhưng bà quá bận với quán cà phê, thì làm sao?

Bích Phượng: Đúng là tôi chỉ có thời gian ngắn ngủi từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối mỗi ngày dành cho con. Thời gian qua mau, tuổi thơ của con trôi mất, cho nên tôi luôn chọn trường học tốt để con được lớn lên trong môi trường lành mạnh. Con tôi ở trường với thầy và bạn nhiều hơn với cha mẹ. Cháu học trường Công Giáo, kỷ luật tốt, tốn tiền nhưng chúng tôi chấp nhận. Khi đưa con vào trường, tôi không lo con đánh lộn, hay bị thế này, thế khác. Môi trường tốt thì con mình sẽ tốt. Không thể nói đứa giỏi thì bỏ đâu cũng giỏi. Tôi nghĩ “có công mài sắt có ngày nên kim”. Tôi cũng muốn làm một người mẹ lúc nào cũng ở nhà với con, lo cho con, nhưng bây giờ thì chưa được. Cho nên tôi chọn việc làm tự do, có thể đi ra ngoài với các con bất cứ lúc nào.

Viễn Đông: Xin cô cho biết, cô hàng cà phê, hoặc có thể các cô hàng quán khác, làm gì để vun đắp hạnh phúc gia đình?

Bích Phượng: Làm tròn vai trò một người mẹ, người vợ: giữ nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ và tìm nguồn vui trong công việc hàng ngày dưới mái nhà riêng. Tôi rửa chén cũng thấy hạnh phúc, giữ không khí hòa thuận trong gia đình làm tôi thấy vui luôn. Nếu có tính "giận cá chém thớt", đi làm về mệt, nhiếc mắng con, cãi lộn với chồng... thì làm sao gia đình hạnh phúc được. Hồi chưa có con, chúng tôi hay cãi vã. Có con rồi, thương con thì cố gắng làm mọi việc tốt cho hai đứa nhỏ. Những chuyện mà chồng tôi làm không hợp ý mình không còn là vấn đề lớn. Tôi nghĩ, có một người chồng đi làm cực khổ, về nhà biết thương con, săn sóc con là tốt rồi. Tôi không cần người có bề ngoài mà chỉ cần một người phúc hậu, có hiếu với cha mẹ, biết giữ đạo làm người... Một người như thế xứng đáng cho mình nương tựa cuộc đời. Tôi chọn ông xã hiện nay của tôi vì ngày trước, anh thương mẹ ruột mình lắm. Tôi muốn mai mốt các con tôi cũng biết thương kính và tôn trọng cha mẹ như thế.

Viễn Đông: Sao cô biết ông xã cô thương kính mẹ để chọn anh ấy làm chồng?

Bích Phượng: Ồ, cái gì cũng hỏi mẹ, lo cho mẹ nhiều lắm. Lúc mới quen, anh ở nhà của mẹ, cái gì cũng mẹ và mẹ trước hết. Mới cưới nhau, chúng tôi cũng ở với mẹ một tháng đầu. Sau vì đi lại xa xôi quá nên mới di chuyển về đây và tuần nào cũng về nhà thăm mẹ một lần.

Viễn Đông: Vì sao hạnh phúc gia đình hết sức quan trọng đối với cô?

Bích Phượng: Gia đình hạnh phúc, lòng mình mới yên, đi làm mỗi ngày với tâm trạng vui vẻ, đầu óc tỉnh táo, mới sáng tạo trong công việc, mới thành công được. Nếu gia đình lộn xộn, mình đâm ra thiếu bình tĩnh, giận cá chém thớt, không nghĩ được cách đối phó với khó khăn trở ngại trong chuyện làm ăn, thì khó thành công lắm, lại dễ gặp rủi ro.

Viễn Đông: Với vai trò của một người mẹ, theo cô thì đâu là niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất?

Bích Phượng: Tôi thích đông con, nhưng lại sợ trải qua những giờ phút mang nặng, đẻ đau đầy lo lắng, nên thôi. Hai đứa là đủ rồi. Tôi thích nhất lúc mới sinh bé, được ở nhà, cho con bú.

Viễn Đông: Cô hoạch định gì cho tương lai?

Bích Phượng: Mẹ của tôi gần 70 tuổi vẫn còn làm việc rất giỏi. Tôi muốn được như mẹ. Tôi thích làm nhà hàng lắm. Mai mốt các con lớn thì tôi có thời gian mở thêm các chi nhánh. Nhưng làm việc vài chục năm nữa thôi thì về hưu để lo cho cháu nội vậy.

Viễn Đông: Cám ơn cô đã dành thời giờ cho buổi tâm tình này và thân chúc cô luôn gặt hái thành công về mọi phương diện.

***********************

source

Viễn Đông Daily

No comments:

Post a Comment