Sophie Đào Kiều Liên, O.D.
Hiện nay tại Hoa Kỳ có khoảng 5.3 triệu người mắc hội chứng bệnh Alzheimer. Chúng ta thường nghĩ tới Alzheimer như một chứng bệnh làm suy giảm trí nhớ của con người. Tuy nhiên, căn bệnh Alzheimer không chỉ làm ảnh hưởng tới sự hoạt động của não bộ, mà còn làm suy yếu đôi mắt của người bệnh vì bệnh Alzheimer làm chết tế bào võng mạc trong mắt. Những tế bào trong mắt sẽ bị chết từ 10 năm đến 20 năm trước khi những triệu chứng của bệnh Alheimer xuất hiện. Vì vậy những nhà khoa học đề nghị rằng đây là một cách để tìm ra những người sẽ mắc bệnh Alzheimer trong tương lai.
Hơn 60% những người mắc bệnh Alzheimer sẽ bị tác động bởi một trong bốn loại: sự di động (motion), chiều sâu (depth), màu sắc (color), và sự tương phản(contrast). Và cũng như những căn bệnh khác, tùy theo mức độ ảnh hưởng, sự nghiêm trọng sẽ thay đổi tùy theo hiện trạng của người bệnh.
Năm 1999, bác sĩ Charles Duffy và Sheldon Tetewsky của Đại học Rochester Center for Visual Studies đã công bố bản nghiên cứu về “motion blindness.”. Để giải thích chính xác về hiện tượng này xin dùng một ví dụ cụ thể: Với người bình thường, khi nhìn cử động giơ cánh tay của người khác, họ sẽ thấy cử động đó diễn ra rất nhẹ nhàng và suôn sẻ. Nhưng với người bệnh Alzheimer, họ sẽ thấy cử động giơ tay xảy ra không liên tục mà từng nấc một, từ dưới lên trên (like a series of still frames). Hai vị bác sĩ nói trên giả định rằng chính bởi tầm nhìn mang tính chất gập ghềnh, nên người bệnh dễ bị bối rối và bị lạc ngay cả khi họ đi đến những chỗ quen thuộc.
Bên cạnh viêc bị mất thị giác lưu động, người bệnh cũng có thể bị rối loạn tầm nhìn về chiều sâu. Chẳng hạn như một tấm thảm màu đậm trên sàn nhà, đối với ngừơi bệnh Alzheimer, họ sẽ thấy tấm thảm như một lỗ đen trên sàn nhà.
Một cách tự nhiên, khả năng nhìn nhận màu sắc cũng sẽ bị ảnh hưởng theo tuổi tác, nhưng đối với những người bệnh Alzheimer, tình trạng này diễn ra trầm trọng hơn. Những màu bị ảnh hưởng nhiều nhất là màu xanh lơ (blue) và tím. Nếu quý vị có thân nhân bị bệnh Alzheimer nên nhớ là với họ màu xanh (blue), xanh (blue-green) và xanh-tím (blue-violet) đều giống nhau. Người bệnh Alzheimer thấy màu đỏ dễ dàng hơn. Vì vậy, quý vị nên thay đổi cấu trúc và màu sơn của ngôi nhà để giúp đỡ những bệnh Alzheimer hòa nhập với cuộc sống. Ví dụ như thay đổi màu sơn của hành lang và cầu thang để giúp người bệnh nhận biết và di chuyển dễ dàng. Bên cạnh đó, trong những bữa ăn, các món ăn nên được đựng trong những chiếc chén hoặc dĩa có màu sắc tương tự như màu đỏ để giúp người bệnh nhận ra được những thức ăn trên bàn.
Người bệnh Alzheimer không nhận biết được sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối cho nên quý vị nên thay đổi những loại đèn trong tư gia. Chẳng hạn như nên có đèn để bàn và đèn trên trần nhà. Buổi chiều quý vị nên kéo màn xuống để chống choá. Ngoài ra, quý vị cũng nên đặt những tấm thảm có màu sắc tương phản nhau trước cửa nhà hoặc cửa phòng và ngay chỗ cầu thang để họ nhận biết được sự thay đổi.
Mặc dù chúng ta không thể nào ngăn chặn được sự lão hóa và những bệnh tật đi kèm theo, thì hy vọng bài viết này sẽ giúp những vị nào có thân nhân bị bệnh Alzheimer biết cách săn sóc để mang lại cuộc sống thoải mái hơn cho người bệnh.
source
One Viet
No comments:
Post a Comment