Sunday 27 December 2009

Những vấn đề trong lúc ngủ của trẻ em


Cập nhật lúc 2:30:39 AM - 23/05/2009

Be_0033.jpg

Bác Sỹ Nguyễn Thị Nhuận

Đái dầm, kinh sợ giữa đêm, mộng du... là những vấn đề tôi thường được hỏi khi khám tổng quát cho các em. Những vấn đề trong lúc ngủ này tuy không gây nguy hiểm chết người cho các em như một vài bệnh khác nhưng có thể làm cho cha mẹ và chính các em nhỏ nữa, bị khó chịu, hoang mang, thắc mắc không kém.


Trong những chứng này, có lẽ bệnh đái dầm là được để ý nhiều hơn hết, nhưng các chứng khác cũng xẩy ra nhiều không kém. Một điều đáng an ủi là những chứng này thường thường sẽ biến mất theo thời gian. Do đó, nếu con em đang bị những chứng này, quí phụ huynh nên tìm hiểu về chúng để an lòng hơn và cũng để giúp qua được những chứng bệnh này.

Đái dầm

Đái dầm, đối với người Việt Nam, thường được coi là ba cái lẻ tẻ. Con nít dưới 1 tuổi được cho mặc quần thủng đít để tiện bề đái dầm. Vào khoảng 2 tuổi, đa số con nít Việt Nam đã biết kêu khi muốn đi tè, trước đó thì được “xi” cho đi tiểu đi tiêu đúng giờ. Thời buổi văn minh, ở nước Mỹ, con nít được cho mặc tã kín bưng và ít khi được “toilet trained” trước khi được 2 tuổi rưỡi. Và dù đã được “trained”, lâu lâu các em vẫn đái dầm, một số còn đái dầm mỗi đêm. Vào lúc 5 tuổi, 16% vẫn còn đái dầm. Con số này giảm dần theo tuổi. Đến năm 10 tuổi, chỉ còn 5% làm ướt giường. Đến tuổi thành niên, ít hơn 1% còn bị. Bệnh đái dầm thường “cha truyền con nối” và xẩy ra rất nhiều cho các em trai hơn các em gái.

Có nhiều nguyên nhân đưa tới chứng đái dầm:

-Bọng đái nhỏ hơn bình thường

-Hệ thần kinh điều khiển bọng đái chưa phát triển đủ

-Rối loạn các kích thích tố làm giảm việc sản xuất nước tiểu vào ban đêm

Cách chữa bệnh đái dầm hiệu nghiệm nhất là một hệ thống báo động đánh thức đứa bé dậy khi máy nhận ra quần nó bắt đầu ướt. Đứa bé phải dậy thay quần rồi mới được ngủ lại. Thuốc cũng có thể được dùng để “kềm” đái dầm trong thời gian ngắn thí dụ như đi ngủ ở nhà bạn hay đi cắm trại. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ không chủ trương không chữa đái dầm cho đến khi em bé được ít nhất 7 tuổi vì “bệnh” này thường tự hết.

Người ta cho rằng bệnh đái dầm cũng có thể liên hệ đến chứng “ngưng thở trong khi ngủ”, một chứng xảy ra khi các bắp thịt cuống họng quá thư giãn trong lúc ngủ và làm nghẹt đường không khí vào từ mũi và cổ họng. Lúc này, người ngủ thường thở một cách nặng nhọc và ngáy to. Họ thường ngưng thở trong nhiều khoảng thời gian ngắn khi ngủ. Nguyên nhân của chứng “ngưng thở khi ngủ” ở người lớn thường là béo phì. Ở trẻ em, béo phì cũng có thể gây ra ngưng thở. Nhưng nguyên nhân chính của chứng ngưng thở ở trẻ em thường là cục thịt dư ở cổ họng và mũi lớn quá, đôi khi cần phải cắt đi để chữa.

Mộng du

Chứng mộng du thường xẩy ra ở trẻ em từ 6 tới 12 tuổi. Thường các em sẽ mộng du trong khi đang ngủ thật sâu, vào giấc sớm. Mộng du thường kéo dài không quá 30 phút và có thể gây ra do mệt mỏi hay lo lắng nhiều. Bệnh này cũng thường xẩy ra cho những người trong cùng một gia đình. Người đang mộng du không hẳn là chỉ đi qua đi lại, họ có thể thay quần áo, ngồi trên giường, đẩy đồ đạc trong phòng... Vì thế nhiều khi con bạn đang mộng du mà chính bạn cũng không biết. Nếu con bạn thức giấc ở một chỗ lạ trong nhà và không nhớ mình đến đó ngủ vào lúc nào, có thể là con bạn đã mắc chứng mộng du.

Ngược với sự tin tưởng thông thường, đánh thức một người đang mộng du không có gì nguy hiểm cả. Nhưng có thể bạn không cần phải đánh thức đứa bé dậy. Bạn chỉ cần dắt nó trở lại giường ngủ mà thôi. Mộng du có thể nguy hiểm ở chỗ đứa bé có thể bị té thang lầu, đụng đầu vô tường hay đi lang thang bên ngoài nhà. Nên để những hàng rào ở đầu cầu thang hay cho em ngủ ở tầng trệt. Nên khóa cửa và cửa sổ lại.

Kinh sợ trong đêm

Bệnh “kinh sợ trong đêm” khác với nằm ác mộng tuy cả hai đều có thể nguy hiểm. Em nhỏ trong cơn kinh sợ có thể sẽ rú lên to, ngồi dậy, vùng vẫy, giãy giụa hoặc chạy vòng vòng trong phòng như muốn chạy trốn. Nếu bạn cố giữ em lại, có thể em sẽ chống cự. Mắt em có thể mở nhưng thực ra em đang ngủ say và sẽ không nhớ một hành động gì trong cơn kinh sợ ngoại trừ cảm giác sợ.

Kinh sợ ban đêm thường xẩy ra trong giấc ngủ sâu, khoảng 1, 2 giờ sau khi em đi ngủ. Cơn sợ có thể kéo dài vài phút cho tới 1 giờ. Chứng này thường xẩy ra ở tuổi từ 3 tới 5.

Trong cơn kinh sợ, đứa bé có thể nhẩy ra khỏi giường và chạy lung tung trong phòng hay trong nhà. Cha mẹ có thể giữ nhẹ em lại và hướng dẫn em trở lại giường. Không nên lắc em mạnh hay la lớn tiếng. Bật đèn lên và nói với em nhẹ nhàng, đều đều.

Bệnh này thường xẩy ra cho những người cùng một gia đình. Mệt mỏi cũng có thể là một nguyên nhân. Cơn kinh sợ thường xẩy ra cùng giờ mỗi đêm. Do đó bạn có thể thử đánh thức em dậy khoảng 20 tới 30 phút trước giờ cơn sợ hay xẩy ra, may ra có thể làm mất đi chu kỳ xẩy ra của chúng.

Đa số các em sẽ hết chứng này khi vào tuổi đi học tức 5, 6 tuổi.

Ác mộng

1 trong 4 trẻ em nằm mơ thấy ác mộng nhiều hơn 1 lần mỗi tuần. Đa số những ác mộng này xẩy ra vào giấc muộn, thường vào khoảng 4 đến 5 giờ sáng. Em nhỏ có thể thức dậy vì sợ hãi và chạy đến giường cha mẹ tìm an ủi.

Những căng thẳng của đời sống thường ngày có thể biến thành ác mộng. Một biến cố gây căng thẳng lớn có thể gây ra ác mộng cả nhiều tháng. Đọc sách hay coi phim kinh dị cũng có thể gây ra ác mộng.

Nên bảo em kể lại cơn ác mộng. Một số em có thể thay đổi đoạn kết thành tốt để bớt sợ. Các em lớn hơn có thể viết nhật ký tả những cơn ác mộng này. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bạn có thể cho em ngủ với con thú bông hay búp bê, được coi như người bạn thức suốt đêm để gác cho em tránh những cơn ác mộng.

Nếu em bị ác mộng quá thường đến nỗi mất ngủ, nên nói chuyện với bác sĩ của em.

Lời từ chối trách nhiệm (Disclaimer): Những bài viết trong mục “Sức Khỏe” chỉ nhằm mục đích chỉ dẫn tổng quát, không thể dùng thay thế sự chăm sóc của bác sĩ hay nhân viên y tế. Độc giả cần tham khảo thêm với bác sĩ của mình khi bệnh.

******************

source

http://www.viendongdaily.com/Contents.aspx?contentid=6360&item=182

Tuesday 22 December 2009

Cõi thiền Đại Đăng


Cập nhật lúc 2:01:02 AM - 22/12/2009

Ut_01_NonLa.jpg


Một chiếc nón lá của thiền sư trên bãi cỏ ở Thiền Viện Đại Đăng hôm Chủ nhật, 20-12-2009 – ảnh: Nick Út.

BONSALL, California - Cuộc sống thường ngày bận bịu, đôi lúc khiến cho người ta thấy cần tìm kiếm một chút tĩnh lặng trong tâm hồn. Thiền Viện Đại Đăng nằm giữa rừng núi San Diego, mang tên một vị Quốc Sư thế kỷ thứ 13, từng giúp truyền bá đạo Phật theo truyền thống Thiền Tông Việt Nam sáng lập bởi vua Trần Nhân Tông.

Thiền viện do Thiền sư Thích Tuệ Giác trụ trì, tọa lạc trên một ngọn đồi, trong khuôn viên vườn cây được các thiền sư vun trồng đẹp mắt.

Nhân chuyến đến thăm thiền viện vào ngày Chủ nhật, 20-12-2009, nhiếp ảnh gia Nick Út chụp một số ảnh gửi đến quý độc giả nhật báo Viễn Đông.


Ut_02_TungLamCanhTri.jpg


Tùng lâm cảnh trí – ảnh: Nick Út.


Ut_04_XuongRong2.jpg


Xương rồng – ảnh: Nick Út.


Ut_03_XuongRong1.jpg


Vườn xương rồng – ảnh: Nick Út.


Ut_05_ChoAnChay.jpg


Con chó tên California sống trong chùa cũng biết... ăn chay – ảnh: Nick Út.


Ut_06_BoDeLatMa.jpg

Tượng đức Bồ Đề Đạt Ma – ảnh: Nick Út.
source
Vien Dong Daily

Wednesday 9 December 2009

NGHỆ THUẬT SỐNG


NGHỆ THUẬT SỐNG

DẪN NHẬP.

Nghệ thuật sống của con người là nét đẹp, là sự khéo léo trong suy nghĩ cũng như hành động. Người có nghệ thuật sống là người tinh tế trong việc thể hiện nét đẹp, sự khéo léo ấy ra trong cuộc sống thường ngày. Nét đẹp, sự tinh tế ấy nơi con người vẫn đang được đề cao và phát huy qua nhiều thời. Ngày nay, phát huy nét đẹp nghệ thuật sống nơi con người đang làm cho đời sống con người thêm đa dạng và phong phú. Sự phong phú đó đang làm cho đời sống con người tăng thêm ý nghĩa. Nhìn về con người, ta hãy cùng nhìn sự kỳ diệu của con người khi sống cuộc đời như một nghệ thuật.

1. Con người có tiềm năng sống cuộc đời như một nghệ thuật

* Con người được thượng đế phú ban cho khả năng sống cuộc đời như một nghệ thuật

Thật không quá khi nói: Con người ngay từ lúc thành thai trong dạ mẹ đã có khả năng sống nghệ thuật. Nghệ thuật sống đơn giản nhưng sâu sắc và tinh tế. Nghệ thuật sống của người con trong sự cưu mang của người mẹ. Trong dạ mẹ, người con hoàn toàn phó thác nơi người mẹ và chỉ biết đáp đền tình yêu của mẹ bằng một khả năng sống vui tươi, hồn nhiên.

Chào đời, con người đã sớm nhận thấy nơi mình một khả năng thần kỳ do Thượng Đế đặt để: khả năng hướng tới và thưởng thức cái đẹp. Dường như cái đẹp có mãnh lực đặc biệt, nó cứ thôi thúc con người lên đường và con người cứ đi, đi mãi. Có thể nói đó là cuộc hành trình chinh phục cái đẹp không ngơi nghỉ. Cuộc chinh phục này, cái đẹp đã đòi một điều kiện: người chinh phục phải sống cái đẹp ấy trứơc.

Như vậy, người chinh phục cái đẹp không phải là đi gom góp sự đẹp mà là một sự tương quan, một đòi hỏi phải đồng cảm nhận. Thế ra, con người không có cách nào khác để có được cái đẹp ngọai trừ việc sống cái đẹp ấy trước đã. Tuy nhiên, con người cũng không quá khó khăn để sống. Vì khả năng sống cái đẹp ấy, Thượng Đế đã phú ban cho ta từ đời đời. Vấn đề, ta phải thể hiện nó ra trong cuộc sống như thế nào để tìm ra sự tương đồng. Thành ra, nghệ thuật sống chính là phương cách tuyệt vời giúp con người chinh phục cái đẹp.

* Con người sinh ra đã hướng về nghệ thuật

Nói về con người, Khổng Tử rất tinh tế khi nói: Nhân tri sơ tính bản thiện. Sự tinh tế của Khổng Tử ở việc ông đã sớm nhận ra nơi con người có tiềm năng về sự thiện, sự đẹp. Có lẽ xuyên suốt tư tưởng của ông, con người được đề cập đến như một cuộc hành trình diễn tả sự thiện, một sự diễn tả ra bằng nghệ thuật sống. Khổng Tử cho rằng: Sự thiện đã có sẵn trong mỗi người và mỗi người hãy tùy theo cơ chất của mình mà thể hiện nghệ thuật sống đó ra.

Thực tế xã hội thời Khổng Tử cũng như bây giờ, con người đã có sự tha hóa. Sự tha hóa do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đưa đẩy khiến con người vốn có tiềm năng sống sự thiện, giờ đây lại phải ra sức tìm về sự thiện. Con người càng ra sức tìm về sự thiện lại càng chứng tỏ khát khao hướng tới sự thiện, càng gần với bản tính thiện của mình. Trong quá trình ấy, con người đã cố gắng thể hiện cuộc đời ra như một nghệ thuật.

* Con người có lý trí nên hành trình sống là hành trình vươn tới nghệ thuật

Ai cũng biết: Con người hơn con vật ở lý trí. Vì thế, lý trí cứ thúc bách con người đi tới cùng để tìm ra đâu là ý nghĩa thực của đời người, đâu là đích điểm của đời người...

Con người từ khi biết nghĩ là biết đi tìm điều đẹp cho mình và cho người. Nhưng xem ra chưa có ai đã thỏa mãn mà thôi tìm kiếm. Ví dụ Augustino sau nhiều năm bôn ba tìm kiếm sự đẹp nơi trần gian đã phải thốt lên: Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới. Vậy ra, vẻ đẹp thực sự, vẻ đẹp tuyệt đối chỉ có ở nơi thiên giới thôi sao?

Theo các nhà kinh viện: Cuộc sống đời sau là đích điểm của con người và con người chỉ có thể thấy được vẻ đẹp tuyệt đối ở đời sau mà thôi. Tuy nhiên, các nhà kinh viện cũng khẳng định rằng: Cuộc sống đời sau đã được bắt đầu nơi trần gian này. Thế ra, con người sống cái đẹp nơi trần gian là để hưởng vẻ đẹp nơi thiên giới. Như vậy, sống nghệ thụât "Đẹp" nơi trần gian chính là hành trình để đi tới nghệ thuật “Đẹp” tuyệt đối.

* Con người có tự do lựa chọn cái đẹp

Con người còn có một khả năng đặc biệt nữa đó là tự do. Con người tự do lựa chọn và quyết định đời mình. Tự do để đào tạo mình trưởng thành. Tự do làm cho đời mình hạnh phúc hay bất hạnh.

Ở trong thế giới mà quan niệm về cái đẹp có nhiều cách hiểu như hiện nay thì tự do là người bạn tốt nhất để con người lựa chọn giá trị chân thiện mỹ. Chỉ khi con người tự do sống giá trị cao đẹp nơi mình, lúc ấy con người mới có trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Như vậy, tự do vừa giúp con người sống nghệ thuật sống, vừa là chính nghệ thuật để con người vươn tới. Khi vươn tới tự do, con người cũng đồng thời khẳng định được mình và các giá trị nơi mình. Thành ra, cái đẹp ở đây không còn là cái đẹp chung chung nhưng là cái đẹp trong chính con người của chủ thể. Cái đẹp làm nên chủ thể. Cái đẹp làm cho con người là mình với tư cách là một nhân vị, nhân cách độc đáo.

2. Sống thế nào cho ra nghệ thuật

* Sống nghệ thuật là sống với chính mình, sống cho ra mình

Như trên đã nói: Con người có tiềm năng sống cuộc đời như một nghệ thuật. Nhưng con người sống thế nào để thể hiện được nghệ thuật?

Người ta không thể chấp nhận thứ nghệ thuật chung chung. Vì vậy, con người có nghệ thụât sống phải là người biết sống nghệ thuật. Con người biết sống nghệ thuật, có lẽ phải biết sống với chính mình trước đã. Con người phải thể hiện nghệ thuật sống ấy với chính mình qua sự trân trọng mình, qua sự khẳng định mình, tôi luyện mình, làm cho mình trở nên độc đáo. Có thể nói, con người muốn sống nghệ thuật với người khác thì trước nhất phải có nghệ thuật sống với mình đã. Bởi vì, con người tôi với những cá tính rất độc đáo, tôi phải tự khám phá tôi trước đã. Con người tôi với tư cách là một nhân vị, tôi phải lo bồi đắp cho xứng một nhân vị đã. Con người tôi với con người cụ thể, tôi lại càng phải tôn trọng phẩm giá của tôi dù tôi bất toàn. Khi ấy, sống với mình, sống cho ra mình mới chính là nghệ thụât sống đúng nghĩa. Nghệ thuật sống ấy mới làm cho con người trưởng thành. Con người như thế mới là mình, mới là cá nhân độc đáo, đáng giá trong vô vàn cá nhân.

Con người biết sống nghệ thuật không phải chỉ biết sống cho mình nhưng quan trọng còn phải biết sống trong các mối tương quan khác.

* Sống nghệ thuật sống là sống các mối tương quan

Tương quan với tha nhân

Chúng ta sống là sống trong một cộng đồng người nhất định vì thế mối tương quan với tha nhân là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, sống mối tương quan này như thế nào cho ra nghệ thuật đó mới là nét đẹp cần hướng tới. Thiết tưởng trong mối tương quan này, con người trước nhất phải sống cho ra mình đã. Sống cho ra mình để nhận ra tha nhân. Từ việc nhận ra tha nhân mới có thể nói tới trân trọng tha nhân như họ vốn là họ. Họ với tư cách của một nhân vị độc lập, độc đáo, đa dạng và phong phú. Dĩ nhiên trân trọng họ cả khi họ bất toàn.

Tương quan với xã hội

Theo nghĩa nào đó, con người là một động vật mang tính xã hội. Như thế mối tương quan con người với xã hội hẳn là rất quan trọng. Sự quan trọng ở chính cách thế ta cư xử với xã hội. Vì chính ta làm nên xã hội và chính xã hội cũng tác động trở lại để hình thành nên con người ta. Ở trong mối tương quan này, con người càng phải nỗ lực hơn bao giờ hết để sống cho ra mình, sống nghệ thuật sống nơi mình để tác động trên xã hội. Đồng thời, ta cũng phải ý thức xã hội gồm những con người đang trực tiếp hay gián tiếp tác động trên ta để ta có ý thức, cách thế thể hiện, ứng đáp cho phù hợp.

Tương quan với tự nhiên

Tự nhiên vốn là người bạn rất tốt của con người nên việc ứng đáp lại người bạn tốt này cũng là việc rất quan trọng. Đây là nghệ thụât sống mà chỉ khi sống con người mới cảm ra, mới biết cách nên gần gũi thiên nhiên. Chỉ khi con người sống, con người mới hiểu được thiên nhiên và được thiên nhiên là người bạn thân thiết hỗ trợ song hành.

Tương quan với Đấng Siêu Nhiên

Siêu Nhiên mà con người phải biết nghệ thuật sống mà đối đáp ở đây là chính Đấng Tạo Hóa. Ai trong chúng ta cũng hơn một lần nghiệm ra quyền năng và tình yêu của Tạo Hóa. Nhưng Con người sống làm sao thể hiện được nghệ thuật sống với Đấng Tạo Hóa mới là điều cốt thiết. Dĩ nhiên con người chẳng xứng đáng để đáp lại. Nhưng không vì thế mà con người được phép xem thường. Thành ra, thiết nghĩ có lẽ con người nên sống là mình trong mối tương quan với anh chị em với vạn vật mà Tạo Hóa ban cho. Con người sống nương theo ý của Tạo Hóa, theo khát vọng tự nhiên Tạo Hóa đặt để… khi hành xử như thế là con người đáp lại Tạo Hóa cách nghệ thuật rồi.

* Sống nghệ thuật là sống hướng thượng

Con người sinh ra không phải chỉ để dành cho những đòi hỏi bản năng, cũng không phải ở chỗ con người thỏa mãn được nhiều nhu cầu. Song, con người được mời gọi hướng lên những thực tại Siêu Việt.

Thực tại Siêu Việt đó vẫn có, vẫn đang tồn tài bên ta và đang chi phối đời sống chúng ta. Ngày ngày, con người vẫn không ngừng đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Cõi tâm linh nơi con người vẫn không ngừng thúc bách con người hướng lên trời cao về với cõi vô biên, bất tử. Phải nhận rằng: Từ thế giới Siêu Việt mà con người được gợi hứng sống. Nhờ thế giới Siêu Việt, con người khám phá ra giá trị đích thực đời mình. Nhờ thế giới Siêu Việt, con người nhận ra mối tương quan của mình với anh chị em. Nhờ hướng lên thế giới Siêu Việt, con người ý thức được giá trị làm người của mình… Trong thế giới Siêu Việt, con người ý thức được vai trò của thế giới Siêu Việt trong đời sống của mình. Nhờ thế giới Siêu Việt, con người cũng được trở nên siêu việt.

Như vậy, chính khi ưu tư về ý nghĩa đời mình, ưu tư về mối tương quan với tha nhân và với Tạo Hóa, con người lại không ngừng được mời gọi sống hướng nên cõi Tuyệt Đối, hướng lên những giá trị cao đẹp nơi Trời Cao.

3. Sống nghệ thuật để cứu chuộc thế giới

* Sống nghệ thuật sống để cứu mình

Con người sống nghệ thuật trước hết là sống cho ra mình. Như vậy, khi con người sống cho ra mình cũng đồng nghĩa con người đang sống theo những nguyên lý đẹp mà Tạo Hóa tác thành, đăït để. Con người sống hòa hợp với chính mình, hòa hợp với những nguyên lý tạo hóa đã đặt để thì hẳn nhiên đã hạnh phúc rồi. Thành ra có nói: Con người sống nghệ thuật sẽ cứu được mình có lẽ cũng không sai. Bởi vì, khi con người sống với ý thức cao nhất, với sự trân trọng mình, trân trọng vạn vật thì con người đang giúp mình hoàn thiện mình. Con người đang làm đúng trách nhiệm của mình. Và chắc chắn, con người sẽ tránh được những bất trắc ... cứ thế, con người đang từng bước cứu mình khỏi hư đi.

* Sống nghệ thuật sống để sống cho tha nhân

Con người sống nghệ thuật không phải thứ nghệ thuật chung chung nhưng là nghệ thuật vì con người. Vì thế, nghệ thuật không gì khác hơn là nghệ thuật sống vì tha nhân. Vì tha nhân mà hành động. Đi tới cùng, nghệ thuật sống là để sống cho tha nhân. Và sẽ không quá khi nói: Con người biết sống nghệ thuật sống có thể cứu được tha nhân, cứu tha nhân khỏi sự ích kỷ, khỏi tang thương, khỏi hư mất... Thực tế, con người sống cao đẹp đã có tác động rất lớn đến người xung quanh. Con người sống cao đẹp đã có sức lay động lương tâm kẻ chai lì. Con người sống đẹp có thể khiến kẻ xấu bỏ đường tội lỗi về với đường lành. Con người sống tốt có thể khiến người chưa tốt trở nên hoàn thiện...

* Sống nghệ thuật để đưa nhân loại đến chân thiện mỹ

Con người luôn khao khát cái đẹp và dễ dàng rung động trước cái đẹp, từ những rung động đó, con người có thể nhận ra chính mình cũng như nhận ra giá trị của thế giới xung quanh. Vì vậy, ta có quyền tin giá trị của nghệ thuật sống có khả năng đưa nhân loại cũng như thế giới về với chân thiện mỹ. Ta có quyền tin nghệ thuật sống sẽ đưa con người vượt lên trên chiến tranh, hận thù, tang tóc... Ta cũng cần tin, nghệ thuật sống có đủ sức mạnh để chúng ta cải hóa thế giới.

Như vậy, ta có quyền tin vào con người, tin vào tiềm năng sống cuộc đời như một nghệ thuật nơi mỗi người. Chính khi tin thì cái đẹp lại là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm và là tiếng mời gọi ra vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm thế giới và mơ về tương lai.

KẾT LUẬN

Cuối cùng, con người sống nghệ thuật chính là cách cụ thể tiềm năng sống nét đẹp mà Thượng Đế đã đặt để nơi mỗi người. Để được thế, con người phải biết mình, biết người. Con người phải biết khám phá bản thân, biết dùng nó đúng chỗ, đúng lúc, đúng khả năng và khuynh hướng riêng của nó. Con người phải biết tạo cho mình một thế đứng, xác định cho đời mình một mục tiêu, chọn cho đời mình một lý tưởng. Có như vậy, chúng ta mới có nhiều khả năng sống cuộc đời như một nghệ thuật. Ước mong sao nghệ thuật thiên phú trong con người mỗi chúng ta được chúng ta thực sự quan tâm trân trọng và làm cho nó triển nở. Chính khi, ta làm cho đời ta triển nở là ta đang tiến tới giá trị thật của đời người. Chính khi, ta làm cho đời ta triển nở là ta đang làm cho phẩm giá con người trở nên đúng nghĩa và xứng với phận người được kêu gọi bước về nguồn nghệ thuật tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.
*********************************
source
http://www.conggiaovietnam.info/index.php?m=home&v=detail&ia=6882

CẨM NANG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH KITÔ - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH



Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô của D. Wahrheit được hiệu đính từ một tập sách rất khó đọc dạng ronéo. Sau một thời gian dài tìm tác giả cũng như người dịch, tôi được Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Giám Đốc Đài Chân Lý Á Châu, cho biết: các sách có tên tác giả D. Wahrheit là những tác phẩm của Đài Chân Lý Á Châu đã phát thanh, được thính giả ghi lại trong thời gian khó khăn khi chưa có internet (D: Đài; Wahrheit: Chân Lý); và nay, được phép ngài cho phổ biến, tôi chân thành giới thiệu tập sách bổ ích Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô này cùng các bạn trẻ, cách riêng những bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân.

Lễ Thánh Mônica, 27.8.2009

Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

MỤC LỤC

Lời ngỏ

Tập sách này không trình bày một nghiên cứu khoa học hay những suy tư uyên bác hoặc một lý thuyết cao xa.

Đây chỉ là những mẩu chuyện tâm tình, đơn sơ, vắn gọn và rất thực tế. Xin gởi đến:

Các bạn thanh niên nam nữ đã bắt đầu nghĩ đến cuộc sống hôn nhân,

Các bạn đang chuẩn bị lập gia đình,

Các bạn mới bước vào cuộc sống lứa đôi hay đã trải qua cuộc sống ấy từ nhiều năm.

Ước mong sao những mẩu chuyện này sẽ giúp phần làm cho đời sống hôn nhân và gia đình các bạn hiện thời hoặc trong tương lai gia tăng niềm vui, phấn khởi, hạnh phúc và thành công. Đó là những gì mà các bạn có quyền hưởng nhận trong tư cách là những Kitô hữu, những người con của Thiên Chúa.

Cũng xin được gửi những trang sách này tới quý Linh mục và tất cả những ai thiết tha góp phần xây dựng những gia đình Kitô thánh thiện, gương mẫu làm nền tảng vững chắc cho Giáo Hội và dân tộc.

Ước mong quý vị sẽ gặp được nơi đây đôi điều hữu ích cho sứ mệnh cao quý của mình.

A. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ ............................................... 7

1. Những khác biệt nơi người vợ ................................................. 8

2. Người chồng muốn được làm đàn ông.................................. 14

3. Hiểu và cảm thông với vợ....................................................... 20

4. Hiểu và cảm thông với chồng................................................. 26

5. Nhìn nhận sự bình đẳng của vợ............................................... 32

6. Cần hiểu chồng hơn nữa......................................................... 38

7. Kiên nhẫn tìm hiểu thêm về vợ mình..................................... 44

8. Làm mẹ nhưng vẫn tiếp tục làm vợ........................................ 51

9. Coi vợ như người bạn đường.................................................. 57

10. Cần cảm thông và nâng đỡ chồng hơn nữa.......................... 63

11. Những khác biệt của vợ là bổ túc cần thiết cho chồng ...... 69

12. Sống tốt mối tương quan với chồng là tự hoàn hảo hóa bản thân 74

13. Nghệ thuật làm chồng........................................................... 80

14. Bí quyết để giữ chồng.......................................................... 86

15. Cư xử với vợ như một người chồng tốt............................... 92

16. Bí quyết chinh phục chồng................................................... 97

17. Địa vị của người chồng trong gia đình.............................. 102

18. Giữ cho tình yêu luôn tươi thắm....................................... 108

19. Nuôi dưỡng và phát triển tình yêu..................................... 114

20. Vai trò chủ động của người vợ trong hạnh phúc hôn nhân 118

21. Khi thử thách chớm nở, hãy nhớ lời chung thuỷ............... 124

22. Nguyên nhân khủng hoảng: Chưa đủ trưởng thành........... 131

23. Khủng hoảng cần cho trưởng thành................................... 137

24. Nguyên tắc hoà hợp và bổ túc............................................ 142

25. Thử thách của ghen tương.................................................. 148

26. Vượt qua khủng hoảng bằng cảm thông............................. 154

B. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN.......................................... 160

1. Một nền tu đức cho bậc hôn nhân....................................... 161

2. Yêu nhau: đường nên thánh của đôi vợ chồng.................... 166

3. Ơn gọi nên thánh của bậc hôn nhân..................................... 172

4. Đức khiết tịnh của bậc hôn nhân.......................................... 178

5. Đức khó nghèo trong bậc hôn nhân..................................... 184

6. Đức vâng phục giữa vợ chồng ............................................. 190

7. Sự cao trọng của đời sống vợ chồng................................... 195

8. Mục đích hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa ... 201

9. Ý nghĩa của bí tích Hôn Phối............................................... 207

10. Con đường khổ chế và thần nghiệm của bậc hôn nhân..... 212

11. Sống như Chúa Kitô........................................................... 218

12. Đọc Kinh Thánh trong gia đình......................................... 225

13. Đọc sách và suy niệm.........................................................231

14. Quan niệm Kitô giáo về tình yêu vợ chồng...................... 237

15. Yêu thương đích thực......................................................... 244

16. Giá trị tuyệt đối của tình yêu............................................. 250

17. Học tập yêu thương............................................................ 254

18. Quan hệ vợ chồng trong linh đạo hôn nhân...................... 2 60

19. Quan hệ tính dục trong hôn nhân....................................... 265

20. Sự cao cả của tính dục trong đời sống vợ chồng.............. 271

21. Vợ chồng giúp nhau nên thánh........................................... 277



Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)
**************************
source
http://www.conggiaovietnam.info/index.php?m=module3&v=detail&ib=58

Monday 7 December 2009

NGHIỆP


Cập nhật lúc 2:01:56 PM - 28/09/2007

thay-giang-LHS.jpg Thầy Hằng Trường trong một buổi giảng pháp

(Bài ghi lại cuộc nói chuyện của thầy Hằng Trường trên Radio Khai Tâm (9giờ tối mỗi thứ Tư trên băng tần 1480AM của đài Little Saigon Radio)


Hỏi: Thi sĩ Nguyễn Du đã có viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Vậy nghiệp là gì, thưa thầy?

Thi sĩ Nguyễn Du nói “Đã mang lấy nghiệp vào thân” thì có vẻ như mình bị thụ động nhưng có lẽ mình nên nghĩ khác chút xíu, tức là không phải mình mang cái nghiệp vào thân mà mình tạo ra cái nghiệp từ trong thân. Mà nói thân cũng chưa đủ mà là trong cả lời nói, hành động và cuộc sống của mình nữa. Khi mình tạo ra nghiệp rồi thì cái khó khăn nhất của mình là mình không thể tránh được cái nghiệp báo vì mình tạo ra cái gì thì mình sẽ nhận lại cái đó. Quan niệm về Nghiệp rộng vô cùng và mang nhiều mầu sắc trong đó mầu sắc nhân quả là quan trọng nhất

Hỏi: Có khi nghe nói là cha mẹ ông bà mình tạo ra nghiệp xấu nên mình phải chịu hậu quả, như vậy có đúng không?

Nói như vậy thì chỉ đúng nửa phần thôi vì khi nhận lãnh gia tài của cha mẹ để lại thì mình cũng nhận luôn cái nhân quả cột với cái gia tài đó. Thí dụ như trong chuyện Godfather thì anh chàng Michael Corleone đã nhận hết quả nghiệp chướng do ông bố tạo ra khi nhận lãnh gia tài của ông. Nhưng theo triết lý căn bản của nhân quả thì người nào tạo ra cái nghiệp nào thì người đó gánh chịu hậu quả của nó.

Trong cuộc sống, khi phân tích sâu sắc hơn thì mình biết rằng khi mình làm một chuyện gì đó thì không phải mình chỉ nhận cái quả cho mình thôi mà còn ảnh hưởng tới những người chung quanh và môi trường sống chung quanh. Do đó mình phải hiểu nghiệp như là một cái từ trường. Khi mình làm một chuyện nào đó thì mình tạo ra một từ trường ảnh hưởng tới mình và các người chung quanh.

Mình sẽ nói tới cái guồng máy tạo ra cái nghiệp. Đó là thân, miệng lưỡi, và óc.

Sản phẩm của thân tạo ra là hành động, cử chỉ, động tác ảnh hưởng tới người chung quanh. Sản phẩm của miệng lưỡi là lời nói. Ngôn từ có thể khác nhau, có người nói dữ, người nói hiền, người nói trực tiếp, người nói gián tiếp... Cuối cùng, sản phẩm của óc là sự suy tư suy nghĩ, cũng rất khác nhau, có người nghĩ rất ngắn 3 tầng thôi, có người thì nghĩ tới 5, 6, nhiều tầng, phát triển rộng ra, có người lúc nào cũng nghĩ về mình, có người thì nghĩ tới người khác, vị tha...

Cho nên khi nói tới nghiệp là mình nói tới guồng máy tạo nghiệp và những sản phẩm của nó.

Những cái này tạo ra ảnh hưởng giống như những vòng từ trường. Hình dung một mặt nước phẳng lì, nay mình vứt một hòn đá xuống thì sẽ tạo ra những làn sóng. Vật gì nằm trong làn nước như chiếc lá chẳng hạn, thì làn sóng nhấp nhô tạo ra những biến động cho chiếc lá đó. Sự biến động đó là ảnh hưởng của cái nghiệp.

Vậy guồng máy là thân, miệng lưỡi và óc. Sản phẩm là hành động, lời nói và sự suy tư. Những sản phẩm này tạo ra ảnh hưởng. Đối tượng của những ảnh hưởng này là gì? Đó là những người chung quanh, vật chung quanh, có thể là động vật hay vật chết như nhà cửa đồng hồ bàn ghế, môi trường cây cối nơi mình sống.

Lời nói của mình ảnh hưởng tới phản ứng của người khác, họ phản ứng hiền hậu hay dữ dằn tùy theo lời nói của mình.

Suy tư, hành động, lời nói của mình ảnh hưởng trực tiếp tới hành động của người đó. Thí dụ như nhiều khi mình không nói nhưng trợn mắt, nhìn cũng đủ khiến cho người ta khó chịu rồi. Thành ra phản ứng của người đó bị ảnh hưởng trực tiếp từ hành động của mình.

Lối sống hay sự suy nghĩ người đó cũng có thể thay đổi. Thí dụ mình nhục mạ họ bằng cách suy nghĩ trong đầu thôi, thì mình cũng sẽ cảm thấy người đó rụt lại, họ xa mình ngay trong tích tắc, phản ứng, mặt người đó thay đổi liền. Nên thường thường khi sống với nhau mình có những phản ứng gọi là “non verbal” không nói ra lời. Nếu không tinh tế thì mình sẽ không biết người ta phản ứng như thế nào.

Jennifer-vui-choi-cung-cac-.jpg(Cứu trợ nạn nhạn sóng thần ở Sri Lanka)

Nói tóm lại, thế nào là nghiệp?

Nghiệp là ảnh hưởng tạo ra bởi thân, miệng lưỡi, và óc, phát hiện ra trong hành động, lời nói, suy tư. Ảnh hưởng này có tính cách như từ trường, có phạm vi rộng lớn.

Nghiệp có thể hình dung như vòng từ trường do những chuyện mình làm ra, không những ảnh hưởng tới người khác mà cuối cũng sẽ ảnh hưởng ngược lại lên thân mình, lời nói, hành động, cả cái nhìn, tình cảm, và sự suy nghĩ của mình.

Thí dụ nếu mình thường mắng nhiếc người khác, họ sẽ khó chịu, cảm thấy bị đè xuống. Ảnh hưởng đó làm cho hành động, suy nghĩ của người đó đối với mình rất là tiêu cực. Trước sau gì họ cũng sẽ trả lại những lời nói tiêu cực trở về với mình, khi đó mình sẽ cảm nhận sự khó chịu in hệt như khi mình sỉ nhục họ. Do đó ảnh hưởng đi ngược lại về mình như cái boomerang, đem tới một cảm thọ in hệt như mình đã gây ra cho đối phương.

Nghiệp là ảnh hưởng của lời nói, hành động, suy tư, luôn luôn trở lại với mình Cái gì mình tạo ra cho người ta thì mình sẽ kinh nghiệm y hệt như vậy.

Có 1 điều rất hay trong triết lý ngàn đời của người Trung Hoa: Giúp người là căn bản của niềm vui. Nếu suy nghĩ kỹ sẽ thấy đúng. Giúp người mình thấy vui, lạ lắm, tâm mình nhẹ, thấy như có cơ hội để thở một cách nhẹ nhàng, tâm mình mở rộng ra. Khi mình vui giúp người, mình sẽ làm cho người ta an lạc, người được giúp sẽ cảm thấy nhẹ nhàng..., kết quả là không phải chờ về sau mình mới an lạc mà ngay lúc đó là mình thấy vui rồi

Có người nói: Sao mình đi giúp người mà cứ bị người ta chửi? Mình nghĩ: Sao lạ vậy. Nhưng ngồi suy nghĩ chừng 2 phút thì sẽ thấy ra rằng khi đi giúp người, cô này đã quên đi sự an lạc của cô, quên đi rằng khi giúp người thì mình phải mở tâm ra. Nếu cái động cơ mình đi giúp người là để được cái danh, được tiếng khen, được người ta công nhận... thì sẽ không làm người ta an lạc. Người ta không cảm nhận được cái giúp của mình an lạc, chuyện giúp đỡ của mình như một cái bổn phận mình làm thôi, người ta không cảm kích được sự giúp đỡ đó.

Thành ra do mình cầu cái danh, mình không làm cho người ta an lạc. Hành động của cái thân tạo ra thấy tương tự như giúp người nhưng thực ra chỉ làm bổn phận để được cái danh. Đây là cái động cơ giấu bên trong, mình nghĩ rằng làm tốt sẽ được an lạc nhưng té ra không có an lạc. Thành ra bất kỳ làm chuyện gì mình cũng nên nghĩ đến hậu quả chuyện mình làm để khi làm thì mình làm đúng. Trong đạo Phật, lý tưởng quan trọng nhất là sống làm sao để được an lạc. Muốn được vậy thì cái NHÂN, tức khi mình làm chuyện gì mình phải làm với sự an lạc, đem an lạc cho người khác thì mình sẽ có sự an lạc trở về với mình. Khi mình làm chuyện gì không có an lạc, không đem an lạc cho người ta thì mình sẽ không có an lạc.

Hỏi: Em bé mới 7, 8 tuổi đã bị ung thư đau đớn khổ sở. Nó còn quá nhỏ chưa làm gì hết mà sao đã phải mang nghiệp nặng như vậy

Khi nói có nghiệp nặng thì phải có nghiệp nhẹ, như là có cái bàn cân để đo? Vô hình trung mình có cảm nhận về cái intensity của từ trường, cảm nhận là đau khổ nhiều thì nghiệp nặng, an lạc sung sướng thì là nghiệp nhẹ hơn...

Mình thấy em bé dễ thương nhưng mà nó lại bịnh nặng, tuy nó chưa làm gì cả, chưa có chuyện gì ảnh hưởng tới ai.

Nhưng nghiệp không phải chỉ trong một đời sống mà thôi mà có nhiều đời sống khác nữa, có những chuyện mình làm trong đời quá khứ mà kết quả nó hiện ra trong đời này. Chuyện này đưa tới nhân và quả.

Nhân là chuyện mình làm do cái thân, miệng lưỡi, sự suy nghĩ còn cái quả là ảnh hưởng tạo ra cho người khác cũng là nghiệp mà ảnh hưởng trở lại cho mình cũng là nghiệp.

Nghiệp là ảnh hưởng hay từ trường tạo ra bởi lời nói, hành động, suy nghĩ. Ảnh hưởng này tới ai? Luôn luôn nó có ảnh hưởng tới chính mình. Em bé đó có thể bị ảnh hưởng từ kiếp trước. Mình có nên nói bịnh như vậy là tốt hay xấu không? Mình không nói tới xấu tốt mà nên nói cái nghiệp đó là do hậu quả của đời trước. Mỗi người mình không ai có thể tránh khỏi cái hậu quả của nghiệp mình tạo ra, mình chỉ chịu thôi. Hậu quả đó không phải là tốt hay xấu mà là đau khổ hay sung sướng an lạc. Trong trường hợp này mình thấy là đau khổ.

Tóm lại, đề tài này rất rộng lớn, với nhiều định lý mà mình sẽ từ từ khai triển. Định lý thứ nhất là nhân quả, cho biết từ một chuyện sẽ xẩy ra chuyện khác như thế nào, thứ hai là chiêu cảm tức những chuyện mình làm có thể hấp dẫn những chuyện khác tới, thứ 3 là duyên khởi tức giữa nhân và quả có những duyên, những chuyện xảy tới mình không làm chủ được mà nó hiện ra lúc nào mình cũng không làm chủ được, thứ 4 là nghiệp báo hay nghiệp quả khi nhiều chuyện do lời nói, hành động, suy nghĩ tạo ra rất nhiều từ trường, ảnh hưởng như thế nào.

Cuối cùng cả, cuộc sống của mình không phải chỉ 1 đời mà nhiều đời lắm. Thời gian một đời mấy chục năm không đủ để giải thích, không đủ cho mình thấy cái nghiệp có thể đột ngột chấm dứt mà nó sẽ tiếp tục hoài. 5 định lý này là 5 định lý căn bản. Trong cuộc sống, sự quan trọng nhất là nên đem an lạc cho người khác. Chỉ khi mình đem an lạc cho người khác thì an lạc sẽ trở lại với mình. Khi mình đem an lạc cho người khác thì mình cũng sẽ thấy an lạc ngay lúc đó.

(còn tiếp 3 kỳ)
NGHIỆP (bài 2)
Cập nhật lúc 1:15:59 PM - 12/10/2007
ThayHangTruong0237.jpgBài ghi lại cuộc nói chuyện của thầy Hằng Trường trên Radio Khai Tâm (9 giờ tối mỗi thứ Tư trên băng tần 1480AM của đài Little Saigon Radio)
Chuyển nghiệp
Nghiệp là 1 đề tài rất rộng lớn, có lẽ không bao giờ nói hết được. Ý nghĩa chính là mọi việc mình làm, lời nói, và những suy nghĩ của mình đều tạo ra ảnh hưởng giống như một từ trường truyền lan ra đến người chung quanh. Khi nói tới nghiệp thì nói tới ảnh hưởng của lời nói, việc làm và sự suy nghĩ của mình.

Ảnh huởng đó đi tới những người khác rồi trở lại về mình. Khi ảnh hưởng của làn sóng đó trở ra đến người khác rồi trở lại về mình thì gọi là cái nghiệp. Những làn sóng truyền ra làm cho người ta khổ, buồn thì mình gọi là nghiệp ác, tức là chuyện không tốt, làm cho người ta cảm nhận sự đau khổ, bất như ý. Nhưng những chuyện mình làm người ta khổ thì rồi nó cũng truyềøn ngược lại về mình.

Nghiệp ảnh hưởng đến mình có thể tốt hay xấu. Mình nói câu gì đó làm người ta nhăn mặt, thì đồng thời khi nó trở lại về mình, mình cũng cảm thấy nhốn nháo. Đó là nghiệp xấu. Còn nghiệp tốt thì làm cho mình vui vẻ, hạnh phúc. Chuyện gì mình làm cho người khác thấy vui sướng thì mình cũng thấy vui. Cho nên ảnh hưởng là cái làm cho mình thấy rõ cái nghiệp nhất.

Nhưng có những hành động không gây ra một ảnh hưởng đáng kể nào cả, thí dụ như mình đi ra cửa, cầm cái đồng hồ lên... chẳng hạn, thì gọi là vô ký, tức là không đáng ghi chép lại. Nhưng cũng có những chuyện thấy có vẻ như là vô ký, thí dụ như mình lên “net” mỗi ngày để coi thị trường chứng khoán thì nhiều người cho rằng không đáng kể. Nhưng nếu mỗi ngày mình bỏ ra 2, 3 giờ đồng hồ để coi stock thì có đáng kể không? Nhiều người sẽ cho là đáng kể. Thời gian đáng kể mà mình nói là nghiệp không đáng kể thì hơi vô lý. Còn nói thiện hay ác thì mình không biết. Nếu nói là thiện thì mình ngồi coi stock như vậy, click lên click xuống, tiền chạy vô chạy ra trong thế giới ảo như vậy thì mình cũng chưa thấy gì là nhiều, chưa thấy thiện ác chỗ nào cả. Nhưng mà nghĩ lại thì đó là cái nghiệp hữu lậu, làm cho mình quên đi con đường cao thượng hay bản tính Phật của mình, làm mình bị cột vô trong vòng luẩn quẩn của chính mình.

Có anh chàng này hay coi stock, một hôm nói với thầy: “Con coi stock lên xuống như vậy, tim con nó cũng lên xuống đến cái độ là con phải uống thuốc nhiều năm nhiều tháng. Bây giờ nhìn lại thấy không những con phải uống thuốc mà lúc nào cũng thấy sợ. Lúc đó con nghĩ nó là điều thích thú, excitement, nhưng sau nhiều năm làm “day trader” như vậy con thấy nó là một cái gánh nặng, làm mình đau tim”. Anh chàng khác, sau khi mất mấy chục ngàn, nói với thầy: “Thưa thầy, stock làm cho con điên lên. Khi con vô sở làm việc thì chuyện đầu tiên và cuối cùng con làm là nghĩ tới stock, cuối giờ nghĩ, đầu giờ nghĩ, cuối cùng đi ngủ cũng nghĩ tới nó nữa, không biết làm sao mà ra khỏi, giống như con ma ở trong đầu con hoài.” Anh chàng này tội lắm. Sau khi thua mất mấy chục ngàn rồi thì anh bỏ không chơi nữa. Hay một cái là khi hết chơi thì anh tìm được sự an lạc. Té ra sự an lạc là cái thiện, còn cái chuyện mình bị trầm cảm, khó chịu buồn phiền thì là ác nghiệp, mình không thể nói chuyện thiện hay ác mà không nói chuyện đau khổ hay vui sướng.

Ác nghiệp lúc nào cũng đưa tới cái đau khổ bất như ý, không cảm thấy thỏa mãn vui sướng được.

Nếu bây giờ đức Phật còn sống và nói về chuyện coi stock thì ngài sẽ nói đây nghiệp hữu lậu nghĩa là mình có chỗ thất thoát. Thất thoát cái gì? Thất thoát cái tâm Phật của mình, mình không thể yên tịnh được, cái an lạc của mình bị thất thoát, sự vui vẻ của mình không còn nữa mà nếp nhăn trên trán mình hiện ra, tóc bắt đầu bạc. Rõ ràng là hữu lậu tức thất thoát đi.

Ngược lại với nghiệp hữu lậu là nghiệp làm tâm mình ngày càng mở rộng ra, là trạng thái an lạc vui vẻ mà đức Phật nói là “thường lạc ngã tịnh” không đưa tới luânhồi sanh tử mà đưa tới cái nhìn và cuộc sống siêu thoát, vô lậu. Người thiền định lúc nào tâm họ cũng không có các tư tưởng thiện hay ác cả mà tư tưởng họ ở trong cái cõi ánh sáng cho nên gọi là vô lậu.

Như vậy mình có nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp vô ký, nghiệp hữu lậu, nghiệp vô lậu.

Một lần nọ, có người tới hỏi ông thiền sư: “Thưa thầy, mẹ con bệnh. Thầy có thể nào dùng thần thông để làm cho bệnh mẹ con hết?” Ông thiền sư trả lời: “ Chịu! Tôi chỉ biết thiền thôi. Nhưng tôi sẽ kể cho ông nghe câuCauNguyen_0055.jpg chuyện này. Có bà đó đi khắp mọi nơi khóc lóc, bà nói với đức Phật là đời sao bất công quá. Đức Phật hỏi tại sao, bà nói vì đứa con của tôi còn nhỏ như vậy mà nó bệnh rồi chết đi. Ngài có thể làm đứa con tôi sống lại không. Vì con tôi còn nhỏ, chưa làm chuyện gì xấu mà sao lại bệnh rồi chết. Đức Phật nói chuyện cũng dễ thôi. Bà muốn con sống lại thì cứ tìm đến nhà nào chưa hề có người trong gia đình chết cả, xin họ một ly nước đem đến đây, tôi cho con bà uống ly nước đó thì nó sẽ sống lại. Bà đi cùng khắp mà chẳng bao giờ tìm thấy một nhà nào chưa từng có người chết trong gia đình, nhà thì có cha chết, nhà có mẹ chết hay ông nội, bà ngoại, chú bác... Bà về nói với Phật là con không tìm được nhà nào mà không có người chết cà. Đức Phật nói đúng, đó là vô thường, tức là ai cũng sẽ chết cả. Chết rồi thì không sống lại được. Chết đó là định nghiệp tức là mình không thay đổi được. Bất định nghiệp là có thể thay đổi được.

Tôi không cứu bà mẹ cô được không phải vì tôi không có khả năng hay không có nhân duyên nhưng bệnh của bà mẹ cô có nhiều nhân duyên lắm mà tôi không biết được. Nếu muốn cứu thì phải biết được cái nghiệp này có thể cứu được không, nói cách khác là đây là định nghiệp hay bất định nghiệp.

Hỏi: Nếu mình biết được là có 7 loại nghiệp thì mình nên làm gì với sự hiểu biết này?

Sự hiểu biết về nghiệp sẽ đưa tới một chuyện rất thực tế là hiểu rồi thì mình nhìn lại mình coi thử mình đang ở cái nghiệp gì, cảm nhận nghiệp gì đang tới với mình. Trong nghiệp có nhân và quả, nhân là lúc mình tạo ra, quả là lúc chuyện tới với mình mà mình không kháng cự được. Thường mình nói về cái nghiệp có vẻ tiêu cực, cái bệnh hoạn, cái chết thôi. Nhưng sự phước đức, sự sung sướng, chueỵn cái gì mình muốn gì được đó cũng là nghiệp tốt của mình. Nên mình phải nhìn lại coi nghiệp mình đang hưởng bây giờ là thiện hay ác, kết quả những chuyện mình đã làm. Xong rồi mình đặt câu hỏi mới là chuyện mình làm ra ngay bây giờ là đi vào hướng thiện hay là ác, vô ký, hữu lậu hay vô lậu. Mình bắt đầu đặt câu hỏi tiếp là nếu cái quả xấu quá, đau khổ quá thì làm sao. Có bà Ấn Độ này rất đau khổ vì chồng bà bị ở tù oan 15 năm. Người khác thì nói đây là cái định nghiệp không sửa đổi được. Nhưng bà thì nghĩ là bất định nghiệp. Bà tiếp tục đấu tranh, viết 40000 trang giấy để biện hộ cho ông, cho thấy ông bị kết án oan. Kết quả là người ta bắt đầu lắng nghe và sửa đổi lại sau 15 năm.

Thành ra mình cần coi cái quả đó có sửa được không, nếu sửa được thì bằng cách nào. Mình nhìn vào cái quả để coi là định nghiệp hay không định nghiệp, ác hay là thiện. Điều quan trọng nhất là mình có thể chuyển nghiệp tức sửa đổi con đường cuộc sống mình đang hướng tới. Chuyển nghiệp là sử dụng sự hiểu biết của mình vì nhiều khi mình biết trong sách vở, định lý nhưng không biết làm sao chuyển nghiệp.

Hỏi: Như vậy chuyển nghiệp khó hay dễ?

Chuyển nghiệp khó mà cũng dễ. Thí dụ như nếu coi stock lâu lâu 1 lần thì cũng dễ đổi nhưng nếu coi thường xuyên ngày nào cũng coi 2, 3 giờ, coi 15 năm rồi thì có đổi được không? Rất khó. Chuyển nghiệp khó chỗ đó, khó thay đổi thói quen lắm. Nhưng cũng dễ vô cùng nếu mình làm được cái gọi là “quantum leap” tức bước nhảy vọt, nhẩy qua được bờ tường rồi thì dễ vô cùng. Chuyển nghiệp khởi đầu từ sự thay đổi cái thói quen của mình khi nhận ra con đường đúng. Nhiều người đi Las Vegas hằng tuần, như vậy thì khó sửa lắm nhưng nếu họ có ý chí mạnh, và nhân duyên đã tới rồi tức thời cơ, gia đình, bạn bè... khuyến khích, có thiện tri thức giúp hay chuyện khác, thí dụ như xăng mắc quá, không đi xa nữa... thì có thể làm được. Quan trọng là mình muốn thay đổi thói quen, đồng thời có nhân duyên phụ trợ. Như vậy thì trả lời câu hỏi là vừa khó vừa dễ.

Khó lúc đầu thôi, là thay đổi cái tập quán, thói quen của mình. Thầy nhớ lần đầu tiên người ta chê thầy giảng pháp quá dở. Mình nghe mình khó chịu, tức vô cùng. Rồi mình nghĩ có thể sửa đổi cách giảng cho hay. Thì ông thầy đứng cạnh nói: Không phải người ta phê bình ông giảng dở, người ta phê bình ông kiêu ngạo. À, cái đó mới khó sửa đó. Mình bắt đầu nói mình đâu có kiêu ngạo, bắt đầu chống lại cái đó. Nhưng khi mình chấp mhận tánh mình kiêu ngạo thì mình bắt đầu có chỗ để thay đổi. Té ra sự khó khăn là do mình không chịu chấp nhận. Nó sẽ dễ dàng hơn nếu mình chấp nhận rằng đúng, mình đã làm chuyện ác, đã làm chuyện xấu. Khi nghĩ như vậy thì mình có hy vọng. Nên trong Lương Hoàng Sám có nói trong vũ trụ này có hai hạng người: hạng người không làm chuyện gì sai lầm cả và hạng thứ hai là làm sai lầm mà biết sửa. Đó là cái hay nhất của chuyển nghiệp . Chuyển nghiệp rất dễ nếu mình biết sửa đổi, dám chấp nhận rằng mình xấu và thấy rằng mình có khả năng sửa đổi. Lòng muốn sửa đổi này quan trọng vô cùng

Tóm lược: Ý chính là nghiệp trùng trùng, vô lượng vô biên đủ thứ loại cả. Mỗi ngày mở mắt ra là mình làm không biết bao nhiêu chuyện, suy nghĩ, nói năng... Nhất là cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Mình không thể giữ cái lưỡi được, lạ vậy đó. Nhưng phải nghĩ trong cuộc sống của mình, mình chuyển nghiệp hay tạo nghiệp. Chuyển nghiệp là làm chủ được hành động, lời nói, suy nghĩ, biết phương hướng. Tạo nghiệp là khi mình không hiểu được cái quả, không biết được thiện hay ác, làm một cách bừa bãi

Mình nên nhìn lại thói quen, sửa đổi thói quen nếu mình biết nó là thói quen tạo nghiệp. Sự sửa đổi đó bao giờ cũng khó khăn lúc đầu vì mình không muốn thay đổi. Căn bản là mình nên chấp nhận mình có lỗi, có tội, cần phải sửa đổi và nên vui vẻ là mình vừa khám phá ra một chuyện quan trọng vô cùng là mình có khả năng để sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Đó chính là đề tài quan trọng nhất khi nói về nghiệp: mình làm chủ, mình có thể chuyển nghiệp.

****************
source
Vien Dong Daily

Tuesday 1 December 2009

Ngước mặt nhìn lên


Cập nhật lúc 2:46:14 AM - 06/04/2009

nguocmat.jpg

Mục sư Đoàn Hưng Linh

Khởi đầu có lẽ ai cũng từng mang nhiều hoài bão, trông mong. Khi mới yêu người ta ôm ủ biết bao mơ ước. Khi đặt chân đến vùng đất mới tự do, người ta nuôi nhiều kỳ vọng.


Thế nhưng cuộc sống đầy những trắc trở, những bất ngờ. Một nhạc sĩ Việt Nam thốt lên trong nhạc phẩm của ông: “… đời anh sớm muộn gì, đời em sớm muộn gì, tình ta sớm muộn gì cũng hấp hối!” Thì rõ là ai cũng sẽ già cỗi rồi ra đi, rõ là biết bao mối tình thắm đã chấm dứt trong nước mắt. Âm hưởng ai oán này có vẻ càng thấm thía khi người ta nghe lời chào thua của bệnh viện trong đất nước có nền y khoa tân tiến nhất, khi thấy tiền đầu tư, dành dụm bấy lâu bay mất trong khủng hoảng tài chánh, khi nghe tin đứa con yêu quí phải vào tù lâu năm, hay khi nhớ lại những trông đợi nơi đồng minh, nơi lý tưởng bị dẫm bẹp phủ phàng…

Càng trông mong, người ta càng thất vọng sâu xa. Vì thế, nhiều người dần sống với triết lý đừng trông mong. Đừng trông mong nhiều nơi vợ con, đừng trông đợi nhiều nơi thân nhân, nơi bạn bè, nơi đoàn thể, nơi “chính nghĩa”…

Hội chứng lụn tàn hy vọng này lan rộng chung quanh chúng ta. Người ta dần co cụm lại với chính mình và với những tiêu khiển trước mắt.

Hội chứng này lan vào cả những nơi mang kỳ vọng cao đẹp: giáo dục, văn học, nghệ thuật, tôn giáo… Biết bao nhà giáo, nhà lãnh đạo tinh thần không thoát khỏi tiếng thở dài trước thực tại nhiều giả tạo, sáo rỗng.

Một thánh nhân xưa kia thốt lên:

Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? (*)

Bạn và tôi cần ngước mắt nhìn lên.

Bạn và tôi cần ngước mắt lên khỏi những mất mát, mất mát về tiền bạc, mất mát về sức khoẻ, mất mát người thân yêu.... Mãi dán mắt vào những mất mát sẽ khiến chúng ta vướng chặt nơi quá khứ. Chúng ta cần ngước mắt lên để thấy đâu là những điều còn lại, đâu là những người còn lại trong đời mình để sống biết ơn và tiến bước.

Bạn và tôi cần ngước mắt lên khỏi những thất bại của mình. Ai đó đã bảo rằng thước đo thật một người không phải là tiền bạc, bằng cấp, địa vị của người đó mà là chuyện gì làm cho người đó bỏ cuộc. Bạn và tôi có bỏ cuộc sớm quá không?

Bạn và tôi cần ngước mắt lên khỏi chính mình. Những cay đắng đối với cuộc đời thường che giấu sự thất vọng sâu xa với bản thân. Những gay gắt với người thường che giấu kỳ vọng quá cao của chính mình.

Ngước mắt lên sẽ giúp cho bạn và tôi thấy không một việc gì trên đời này có thể tồn tại mãi, không việc gì tự nó có thể mang lại ý nghĩa lâu dài: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.”

Ngước mắt lên giúp chúng ta thấy ý nghĩa của kiếp nhân sinh phù du nằm nơi cao:

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.…

Một du khách lặn lội đường xa để đến một xứ nổi tiếng về dệt thảm và vào thăm nơi dệt một tấm thảm khổng lồ treo giữa phòng. Sau một thời gian ngắm những thợ dệt thảm làm việc và bước lui ra để ngắm tấm thảm thì ông không giấu được vẻ thất vọng và nói: “Tôi không thể hiểu được hình các ông dệt và không thể thưởng thức được nét dệt với quá nhiều chỉ dệt lòng thòng.” Người dệt thảm cạnh ông cười bảo: “Ông xem lộn bên rồi, đây là mặt trái của tấm thảm. Muốn ngắm tấm thảm và hiểu hình dệt ông phải đi vòng qua bên kia tấm thảm!”

Có lẽ vì vậy mà các thánh nhân cũng không được miễn trừ khỏi thất vọng, khỏi những thực tại không như ý. Nhiều trông mong có vẻ tốt đẹp của họ đã không thành. Nhiều người đã trông mong quả báo nhãn tiền, trông mong phép lạ trước mắt để biến đổi thế giới và rồi đã thất vọng. Tin mừng là họ đã ngước lên và, qua quá trình tinh luyện, họ tìm được hy vọng lớn hơn, bền vững hơn. Không có trông mong nào được bảo đảm nào ngoại trừ hy vọng đặt vào chính Đấng là nguồn cội của hy vọng.

Hy vọng này không ở quá xa bạn và tôi. Hiện thân của Đấng Hy vọng đã đến và nhen hy vọng vĩnh hằng giữa vòng chúng ta:

“Phúc cho những người có tâm linh nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.
Phúc cho những người đau khổ,
vì họ sẽ được an ủi.Phúc cho những người hiền lành, vì họ sẽ được thừa hưởng đất đai. Phúc cho những người đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đủ. Phúc cho những người thương xót, vì họ sẽ được thương xót.
Phúc cho những người có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ thấy Đức Chúa Trời. Phúc cho những người kiến tạo hoà bình,vì họ sẽ được gọi là con của Đức Chúa Trời. Phúc cho những người bị ngược đãi vì sự công chính,
vì Nước Trời thuộc về họ.”

Ngước mắt lên như vậy giúp bạn và tôi đặt trông mong đúng đối tượng. Ngước mắt lên giúp chúng ta tiến bước mà không quá kỳ vọng nơi người, nơi cõi phù sinh. Ngước mắt lên giúp chúng ta nhẹ nhàng hơn với mất mát, với thất bại, với người thân, với chính mình. Ngước mắt lên giúp bạn và tôi tìm thấy ơn phù trợ thiên thượng và hy vọng vĩnh hằng.

Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao ?
Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa
là Đấng dựng nên cả đất trời.

(*) Những dòng chữ in nghiêng trong bài được trích từ Thánh Kinh.

Mục sư Đòan Hưng Linh trình bày câu chuyện Phúc âm vào 7:30-8:30pm mỗi tối Chủ Nhật tại nhà thờ Tin Lành Thanh Lễ Westminster, 14200 Goldenwest St., Westminster, CA 92683.
source
Vien Dong Daily