Sunday, 27 December 2009

Những vấn đề trong lúc ngủ của trẻ em


Cập nhật lúc 2:30:39 AM - 23/05/2009

Be_0033.jpg

Bác Sỹ Nguyễn Thị Nhuận

Đái dầm, kinh sợ giữa đêm, mộng du... là những vấn đề tôi thường được hỏi khi khám tổng quát cho các em. Những vấn đề trong lúc ngủ này tuy không gây nguy hiểm chết người cho các em như một vài bệnh khác nhưng có thể làm cho cha mẹ và chính các em nhỏ nữa, bị khó chịu, hoang mang, thắc mắc không kém.


Trong những chứng này, có lẽ bệnh đái dầm là được để ý nhiều hơn hết, nhưng các chứng khác cũng xẩy ra nhiều không kém. Một điều đáng an ủi là những chứng này thường thường sẽ biến mất theo thời gian. Do đó, nếu con em đang bị những chứng này, quí phụ huynh nên tìm hiểu về chúng để an lòng hơn và cũng để giúp qua được những chứng bệnh này.

Đái dầm

Đái dầm, đối với người Việt Nam, thường được coi là ba cái lẻ tẻ. Con nít dưới 1 tuổi được cho mặc quần thủng đít để tiện bề đái dầm. Vào khoảng 2 tuổi, đa số con nít Việt Nam đã biết kêu khi muốn đi tè, trước đó thì được “xi” cho đi tiểu đi tiêu đúng giờ. Thời buổi văn minh, ở nước Mỹ, con nít được cho mặc tã kín bưng và ít khi được “toilet trained” trước khi được 2 tuổi rưỡi. Và dù đã được “trained”, lâu lâu các em vẫn đái dầm, một số còn đái dầm mỗi đêm. Vào lúc 5 tuổi, 16% vẫn còn đái dầm. Con số này giảm dần theo tuổi. Đến năm 10 tuổi, chỉ còn 5% làm ướt giường. Đến tuổi thành niên, ít hơn 1% còn bị. Bệnh đái dầm thường “cha truyền con nối” và xẩy ra rất nhiều cho các em trai hơn các em gái.

Có nhiều nguyên nhân đưa tới chứng đái dầm:

-Bọng đái nhỏ hơn bình thường

-Hệ thần kinh điều khiển bọng đái chưa phát triển đủ

-Rối loạn các kích thích tố làm giảm việc sản xuất nước tiểu vào ban đêm

Cách chữa bệnh đái dầm hiệu nghiệm nhất là một hệ thống báo động đánh thức đứa bé dậy khi máy nhận ra quần nó bắt đầu ướt. Đứa bé phải dậy thay quần rồi mới được ngủ lại. Thuốc cũng có thể được dùng để “kềm” đái dầm trong thời gian ngắn thí dụ như đi ngủ ở nhà bạn hay đi cắm trại. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ không chủ trương không chữa đái dầm cho đến khi em bé được ít nhất 7 tuổi vì “bệnh” này thường tự hết.

Người ta cho rằng bệnh đái dầm cũng có thể liên hệ đến chứng “ngưng thở trong khi ngủ”, một chứng xảy ra khi các bắp thịt cuống họng quá thư giãn trong lúc ngủ và làm nghẹt đường không khí vào từ mũi và cổ họng. Lúc này, người ngủ thường thở một cách nặng nhọc và ngáy to. Họ thường ngưng thở trong nhiều khoảng thời gian ngắn khi ngủ. Nguyên nhân của chứng “ngưng thở khi ngủ” ở người lớn thường là béo phì. Ở trẻ em, béo phì cũng có thể gây ra ngưng thở. Nhưng nguyên nhân chính của chứng ngưng thở ở trẻ em thường là cục thịt dư ở cổ họng và mũi lớn quá, đôi khi cần phải cắt đi để chữa.

Mộng du

Chứng mộng du thường xẩy ra ở trẻ em từ 6 tới 12 tuổi. Thường các em sẽ mộng du trong khi đang ngủ thật sâu, vào giấc sớm. Mộng du thường kéo dài không quá 30 phút và có thể gây ra do mệt mỏi hay lo lắng nhiều. Bệnh này cũng thường xẩy ra cho những người trong cùng một gia đình. Người đang mộng du không hẳn là chỉ đi qua đi lại, họ có thể thay quần áo, ngồi trên giường, đẩy đồ đạc trong phòng... Vì thế nhiều khi con bạn đang mộng du mà chính bạn cũng không biết. Nếu con bạn thức giấc ở một chỗ lạ trong nhà và không nhớ mình đến đó ngủ vào lúc nào, có thể là con bạn đã mắc chứng mộng du.

Ngược với sự tin tưởng thông thường, đánh thức một người đang mộng du không có gì nguy hiểm cả. Nhưng có thể bạn không cần phải đánh thức đứa bé dậy. Bạn chỉ cần dắt nó trở lại giường ngủ mà thôi. Mộng du có thể nguy hiểm ở chỗ đứa bé có thể bị té thang lầu, đụng đầu vô tường hay đi lang thang bên ngoài nhà. Nên để những hàng rào ở đầu cầu thang hay cho em ngủ ở tầng trệt. Nên khóa cửa và cửa sổ lại.

Kinh sợ trong đêm

Bệnh “kinh sợ trong đêm” khác với nằm ác mộng tuy cả hai đều có thể nguy hiểm. Em nhỏ trong cơn kinh sợ có thể sẽ rú lên to, ngồi dậy, vùng vẫy, giãy giụa hoặc chạy vòng vòng trong phòng như muốn chạy trốn. Nếu bạn cố giữ em lại, có thể em sẽ chống cự. Mắt em có thể mở nhưng thực ra em đang ngủ say và sẽ không nhớ một hành động gì trong cơn kinh sợ ngoại trừ cảm giác sợ.

Kinh sợ ban đêm thường xẩy ra trong giấc ngủ sâu, khoảng 1, 2 giờ sau khi em đi ngủ. Cơn sợ có thể kéo dài vài phút cho tới 1 giờ. Chứng này thường xẩy ra ở tuổi từ 3 tới 5.

Trong cơn kinh sợ, đứa bé có thể nhẩy ra khỏi giường và chạy lung tung trong phòng hay trong nhà. Cha mẹ có thể giữ nhẹ em lại và hướng dẫn em trở lại giường. Không nên lắc em mạnh hay la lớn tiếng. Bật đèn lên và nói với em nhẹ nhàng, đều đều.

Bệnh này thường xẩy ra cho những người cùng một gia đình. Mệt mỏi cũng có thể là một nguyên nhân. Cơn kinh sợ thường xẩy ra cùng giờ mỗi đêm. Do đó bạn có thể thử đánh thức em dậy khoảng 20 tới 30 phút trước giờ cơn sợ hay xẩy ra, may ra có thể làm mất đi chu kỳ xẩy ra của chúng.

Đa số các em sẽ hết chứng này khi vào tuổi đi học tức 5, 6 tuổi.

Ác mộng

1 trong 4 trẻ em nằm mơ thấy ác mộng nhiều hơn 1 lần mỗi tuần. Đa số những ác mộng này xẩy ra vào giấc muộn, thường vào khoảng 4 đến 5 giờ sáng. Em nhỏ có thể thức dậy vì sợ hãi và chạy đến giường cha mẹ tìm an ủi.

Những căng thẳng của đời sống thường ngày có thể biến thành ác mộng. Một biến cố gây căng thẳng lớn có thể gây ra ác mộng cả nhiều tháng. Đọc sách hay coi phim kinh dị cũng có thể gây ra ác mộng.

Nên bảo em kể lại cơn ác mộng. Một số em có thể thay đổi đoạn kết thành tốt để bớt sợ. Các em lớn hơn có thể viết nhật ký tả những cơn ác mộng này. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bạn có thể cho em ngủ với con thú bông hay búp bê, được coi như người bạn thức suốt đêm để gác cho em tránh những cơn ác mộng.

Nếu em bị ác mộng quá thường đến nỗi mất ngủ, nên nói chuyện với bác sĩ của em.

Lời từ chối trách nhiệm (Disclaimer): Những bài viết trong mục “Sức Khỏe” chỉ nhằm mục đích chỉ dẫn tổng quát, không thể dùng thay thế sự chăm sóc của bác sĩ hay nhân viên y tế. Độc giả cần tham khảo thêm với bác sĩ của mình khi bệnh.

******************

source

http://www.viendongdaily.com/Contents.aspx?contentid=6360&item=182

No comments:

Post a Comment