Monday, 7 December 2009

NGHIỆP


Cập nhật lúc 2:01:56 PM - 28/09/2007

thay-giang-LHS.jpg Thầy Hằng Trường trong một buổi giảng pháp

(Bài ghi lại cuộc nói chuyện của thầy Hằng Trường trên Radio Khai Tâm (9giờ tối mỗi thứ Tư trên băng tần 1480AM của đài Little Saigon Radio)


Hỏi: Thi sĩ Nguyễn Du đã có viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Vậy nghiệp là gì, thưa thầy?

Thi sĩ Nguyễn Du nói “Đã mang lấy nghiệp vào thân” thì có vẻ như mình bị thụ động nhưng có lẽ mình nên nghĩ khác chút xíu, tức là không phải mình mang cái nghiệp vào thân mà mình tạo ra cái nghiệp từ trong thân. Mà nói thân cũng chưa đủ mà là trong cả lời nói, hành động và cuộc sống của mình nữa. Khi mình tạo ra nghiệp rồi thì cái khó khăn nhất của mình là mình không thể tránh được cái nghiệp báo vì mình tạo ra cái gì thì mình sẽ nhận lại cái đó. Quan niệm về Nghiệp rộng vô cùng và mang nhiều mầu sắc trong đó mầu sắc nhân quả là quan trọng nhất

Hỏi: Có khi nghe nói là cha mẹ ông bà mình tạo ra nghiệp xấu nên mình phải chịu hậu quả, như vậy có đúng không?

Nói như vậy thì chỉ đúng nửa phần thôi vì khi nhận lãnh gia tài của cha mẹ để lại thì mình cũng nhận luôn cái nhân quả cột với cái gia tài đó. Thí dụ như trong chuyện Godfather thì anh chàng Michael Corleone đã nhận hết quả nghiệp chướng do ông bố tạo ra khi nhận lãnh gia tài của ông. Nhưng theo triết lý căn bản của nhân quả thì người nào tạo ra cái nghiệp nào thì người đó gánh chịu hậu quả của nó.

Trong cuộc sống, khi phân tích sâu sắc hơn thì mình biết rằng khi mình làm một chuyện gì đó thì không phải mình chỉ nhận cái quả cho mình thôi mà còn ảnh hưởng tới những người chung quanh và môi trường sống chung quanh. Do đó mình phải hiểu nghiệp như là một cái từ trường. Khi mình làm một chuyện nào đó thì mình tạo ra một từ trường ảnh hưởng tới mình và các người chung quanh.

Mình sẽ nói tới cái guồng máy tạo ra cái nghiệp. Đó là thân, miệng lưỡi, và óc.

Sản phẩm của thân tạo ra là hành động, cử chỉ, động tác ảnh hưởng tới người chung quanh. Sản phẩm của miệng lưỡi là lời nói. Ngôn từ có thể khác nhau, có người nói dữ, người nói hiền, người nói trực tiếp, người nói gián tiếp... Cuối cùng, sản phẩm của óc là sự suy tư suy nghĩ, cũng rất khác nhau, có người nghĩ rất ngắn 3 tầng thôi, có người thì nghĩ tới 5, 6, nhiều tầng, phát triển rộng ra, có người lúc nào cũng nghĩ về mình, có người thì nghĩ tới người khác, vị tha...

Cho nên khi nói tới nghiệp là mình nói tới guồng máy tạo nghiệp và những sản phẩm của nó.

Những cái này tạo ra ảnh hưởng giống như những vòng từ trường. Hình dung một mặt nước phẳng lì, nay mình vứt một hòn đá xuống thì sẽ tạo ra những làn sóng. Vật gì nằm trong làn nước như chiếc lá chẳng hạn, thì làn sóng nhấp nhô tạo ra những biến động cho chiếc lá đó. Sự biến động đó là ảnh hưởng của cái nghiệp.

Vậy guồng máy là thân, miệng lưỡi và óc. Sản phẩm là hành động, lời nói và sự suy tư. Những sản phẩm này tạo ra ảnh hưởng. Đối tượng của những ảnh hưởng này là gì? Đó là những người chung quanh, vật chung quanh, có thể là động vật hay vật chết như nhà cửa đồng hồ bàn ghế, môi trường cây cối nơi mình sống.

Lời nói của mình ảnh hưởng tới phản ứng của người khác, họ phản ứng hiền hậu hay dữ dằn tùy theo lời nói của mình.

Suy tư, hành động, lời nói của mình ảnh hưởng trực tiếp tới hành động của người đó. Thí dụ như nhiều khi mình không nói nhưng trợn mắt, nhìn cũng đủ khiến cho người ta khó chịu rồi. Thành ra phản ứng của người đó bị ảnh hưởng trực tiếp từ hành động của mình.

Lối sống hay sự suy nghĩ người đó cũng có thể thay đổi. Thí dụ mình nhục mạ họ bằng cách suy nghĩ trong đầu thôi, thì mình cũng sẽ cảm thấy người đó rụt lại, họ xa mình ngay trong tích tắc, phản ứng, mặt người đó thay đổi liền. Nên thường thường khi sống với nhau mình có những phản ứng gọi là “non verbal” không nói ra lời. Nếu không tinh tế thì mình sẽ không biết người ta phản ứng như thế nào.

Jennifer-vui-choi-cung-cac-.jpg(Cứu trợ nạn nhạn sóng thần ở Sri Lanka)

Nói tóm lại, thế nào là nghiệp?

Nghiệp là ảnh hưởng tạo ra bởi thân, miệng lưỡi, và óc, phát hiện ra trong hành động, lời nói, suy tư. Ảnh hưởng này có tính cách như từ trường, có phạm vi rộng lớn.

Nghiệp có thể hình dung như vòng từ trường do những chuyện mình làm ra, không những ảnh hưởng tới người khác mà cuối cũng sẽ ảnh hưởng ngược lại lên thân mình, lời nói, hành động, cả cái nhìn, tình cảm, và sự suy nghĩ của mình.

Thí dụ nếu mình thường mắng nhiếc người khác, họ sẽ khó chịu, cảm thấy bị đè xuống. Ảnh hưởng đó làm cho hành động, suy nghĩ của người đó đối với mình rất là tiêu cực. Trước sau gì họ cũng sẽ trả lại những lời nói tiêu cực trở về với mình, khi đó mình sẽ cảm nhận sự khó chịu in hệt như khi mình sỉ nhục họ. Do đó ảnh hưởng đi ngược lại về mình như cái boomerang, đem tới một cảm thọ in hệt như mình đã gây ra cho đối phương.

Nghiệp là ảnh hưởng của lời nói, hành động, suy tư, luôn luôn trở lại với mình Cái gì mình tạo ra cho người ta thì mình sẽ kinh nghiệm y hệt như vậy.

Có 1 điều rất hay trong triết lý ngàn đời của người Trung Hoa: Giúp người là căn bản của niềm vui. Nếu suy nghĩ kỹ sẽ thấy đúng. Giúp người mình thấy vui, lạ lắm, tâm mình nhẹ, thấy như có cơ hội để thở một cách nhẹ nhàng, tâm mình mở rộng ra. Khi mình vui giúp người, mình sẽ làm cho người ta an lạc, người được giúp sẽ cảm thấy nhẹ nhàng..., kết quả là không phải chờ về sau mình mới an lạc mà ngay lúc đó là mình thấy vui rồi

Có người nói: Sao mình đi giúp người mà cứ bị người ta chửi? Mình nghĩ: Sao lạ vậy. Nhưng ngồi suy nghĩ chừng 2 phút thì sẽ thấy ra rằng khi đi giúp người, cô này đã quên đi sự an lạc của cô, quên đi rằng khi giúp người thì mình phải mở tâm ra. Nếu cái động cơ mình đi giúp người là để được cái danh, được tiếng khen, được người ta công nhận... thì sẽ không làm người ta an lạc. Người ta không cảm nhận được cái giúp của mình an lạc, chuyện giúp đỡ của mình như một cái bổn phận mình làm thôi, người ta không cảm kích được sự giúp đỡ đó.

Thành ra do mình cầu cái danh, mình không làm cho người ta an lạc. Hành động của cái thân tạo ra thấy tương tự như giúp người nhưng thực ra chỉ làm bổn phận để được cái danh. Đây là cái động cơ giấu bên trong, mình nghĩ rằng làm tốt sẽ được an lạc nhưng té ra không có an lạc. Thành ra bất kỳ làm chuyện gì mình cũng nên nghĩ đến hậu quả chuyện mình làm để khi làm thì mình làm đúng. Trong đạo Phật, lý tưởng quan trọng nhất là sống làm sao để được an lạc. Muốn được vậy thì cái NHÂN, tức khi mình làm chuyện gì mình phải làm với sự an lạc, đem an lạc cho người khác thì mình sẽ có sự an lạc trở về với mình. Khi mình làm chuyện gì không có an lạc, không đem an lạc cho người ta thì mình sẽ không có an lạc.

Hỏi: Em bé mới 7, 8 tuổi đã bị ung thư đau đớn khổ sở. Nó còn quá nhỏ chưa làm gì hết mà sao đã phải mang nghiệp nặng như vậy

Khi nói có nghiệp nặng thì phải có nghiệp nhẹ, như là có cái bàn cân để đo? Vô hình trung mình có cảm nhận về cái intensity của từ trường, cảm nhận là đau khổ nhiều thì nghiệp nặng, an lạc sung sướng thì là nghiệp nhẹ hơn...

Mình thấy em bé dễ thương nhưng mà nó lại bịnh nặng, tuy nó chưa làm gì cả, chưa có chuyện gì ảnh hưởng tới ai.

Nhưng nghiệp không phải chỉ trong một đời sống mà thôi mà có nhiều đời sống khác nữa, có những chuyện mình làm trong đời quá khứ mà kết quả nó hiện ra trong đời này. Chuyện này đưa tới nhân và quả.

Nhân là chuyện mình làm do cái thân, miệng lưỡi, sự suy nghĩ còn cái quả là ảnh hưởng tạo ra cho người khác cũng là nghiệp mà ảnh hưởng trở lại cho mình cũng là nghiệp.

Nghiệp là ảnh hưởng hay từ trường tạo ra bởi lời nói, hành động, suy nghĩ. Ảnh hưởng này tới ai? Luôn luôn nó có ảnh hưởng tới chính mình. Em bé đó có thể bị ảnh hưởng từ kiếp trước. Mình có nên nói bịnh như vậy là tốt hay xấu không? Mình không nói tới xấu tốt mà nên nói cái nghiệp đó là do hậu quả của đời trước. Mỗi người mình không ai có thể tránh khỏi cái hậu quả của nghiệp mình tạo ra, mình chỉ chịu thôi. Hậu quả đó không phải là tốt hay xấu mà là đau khổ hay sung sướng an lạc. Trong trường hợp này mình thấy là đau khổ.

Tóm lại, đề tài này rất rộng lớn, với nhiều định lý mà mình sẽ từ từ khai triển. Định lý thứ nhất là nhân quả, cho biết từ một chuyện sẽ xẩy ra chuyện khác như thế nào, thứ hai là chiêu cảm tức những chuyện mình làm có thể hấp dẫn những chuyện khác tới, thứ 3 là duyên khởi tức giữa nhân và quả có những duyên, những chuyện xảy tới mình không làm chủ được mà nó hiện ra lúc nào mình cũng không làm chủ được, thứ 4 là nghiệp báo hay nghiệp quả khi nhiều chuyện do lời nói, hành động, suy nghĩ tạo ra rất nhiều từ trường, ảnh hưởng như thế nào.

Cuối cùng cả, cuộc sống của mình không phải chỉ 1 đời mà nhiều đời lắm. Thời gian một đời mấy chục năm không đủ để giải thích, không đủ cho mình thấy cái nghiệp có thể đột ngột chấm dứt mà nó sẽ tiếp tục hoài. 5 định lý này là 5 định lý căn bản. Trong cuộc sống, sự quan trọng nhất là nên đem an lạc cho người khác. Chỉ khi mình đem an lạc cho người khác thì an lạc sẽ trở lại với mình. Khi mình đem an lạc cho người khác thì mình cũng sẽ thấy an lạc ngay lúc đó.

(còn tiếp 3 kỳ)
NGHIỆP (bài 2)
Cập nhật lúc 1:15:59 PM - 12/10/2007
ThayHangTruong0237.jpgBài ghi lại cuộc nói chuyện của thầy Hằng Trường trên Radio Khai Tâm (9 giờ tối mỗi thứ Tư trên băng tần 1480AM của đài Little Saigon Radio)
Chuyển nghiệp
Nghiệp là 1 đề tài rất rộng lớn, có lẽ không bao giờ nói hết được. Ý nghĩa chính là mọi việc mình làm, lời nói, và những suy nghĩ của mình đều tạo ra ảnh hưởng giống như một từ trường truyền lan ra đến người chung quanh. Khi nói tới nghiệp thì nói tới ảnh hưởng của lời nói, việc làm và sự suy nghĩ của mình.

Ảnh huởng đó đi tới những người khác rồi trở lại về mình. Khi ảnh hưởng của làn sóng đó trở ra đến người khác rồi trở lại về mình thì gọi là cái nghiệp. Những làn sóng truyền ra làm cho người ta khổ, buồn thì mình gọi là nghiệp ác, tức là chuyện không tốt, làm cho người ta cảm nhận sự đau khổ, bất như ý. Nhưng những chuyện mình làm người ta khổ thì rồi nó cũng truyềøn ngược lại về mình.

Nghiệp ảnh hưởng đến mình có thể tốt hay xấu. Mình nói câu gì đó làm người ta nhăn mặt, thì đồng thời khi nó trở lại về mình, mình cũng cảm thấy nhốn nháo. Đó là nghiệp xấu. Còn nghiệp tốt thì làm cho mình vui vẻ, hạnh phúc. Chuyện gì mình làm cho người khác thấy vui sướng thì mình cũng thấy vui. Cho nên ảnh hưởng là cái làm cho mình thấy rõ cái nghiệp nhất.

Nhưng có những hành động không gây ra một ảnh hưởng đáng kể nào cả, thí dụ như mình đi ra cửa, cầm cái đồng hồ lên... chẳng hạn, thì gọi là vô ký, tức là không đáng ghi chép lại. Nhưng cũng có những chuyện thấy có vẻ như là vô ký, thí dụ như mình lên “net” mỗi ngày để coi thị trường chứng khoán thì nhiều người cho rằng không đáng kể. Nhưng nếu mỗi ngày mình bỏ ra 2, 3 giờ đồng hồ để coi stock thì có đáng kể không? Nhiều người sẽ cho là đáng kể. Thời gian đáng kể mà mình nói là nghiệp không đáng kể thì hơi vô lý. Còn nói thiện hay ác thì mình không biết. Nếu nói là thiện thì mình ngồi coi stock như vậy, click lên click xuống, tiền chạy vô chạy ra trong thế giới ảo như vậy thì mình cũng chưa thấy gì là nhiều, chưa thấy thiện ác chỗ nào cả. Nhưng mà nghĩ lại thì đó là cái nghiệp hữu lậu, làm cho mình quên đi con đường cao thượng hay bản tính Phật của mình, làm mình bị cột vô trong vòng luẩn quẩn của chính mình.

Có anh chàng này hay coi stock, một hôm nói với thầy: “Con coi stock lên xuống như vậy, tim con nó cũng lên xuống đến cái độ là con phải uống thuốc nhiều năm nhiều tháng. Bây giờ nhìn lại thấy không những con phải uống thuốc mà lúc nào cũng thấy sợ. Lúc đó con nghĩ nó là điều thích thú, excitement, nhưng sau nhiều năm làm “day trader” như vậy con thấy nó là một cái gánh nặng, làm mình đau tim”. Anh chàng khác, sau khi mất mấy chục ngàn, nói với thầy: “Thưa thầy, stock làm cho con điên lên. Khi con vô sở làm việc thì chuyện đầu tiên và cuối cùng con làm là nghĩ tới stock, cuối giờ nghĩ, đầu giờ nghĩ, cuối cùng đi ngủ cũng nghĩ tới nó nữa, không biết làm sao mà ra khỏi, giống như con ma ở trong đầu con hoài.” Anh chàng này tội lắm. Sau khi thua mất mấy chục ngàn rồi thì anh bỏ không chơi nữa. Hay một cái là khi hết chơi thì anh tìm được sự an lạc. Té ra sự an lạc là cái thiện, còn cái chuyện mình bị trầm cảm, khó chịu buồn phiền thì là ác nghiệp, mình không thể nói chuyện thiện hay ác mà không nói chuyện đau khổ hay vui sướng.

Ác nghiệp lúc nào cũng đưa tới cái đau khổ bất như ý, không cảm thấy thỏa mãn vui sướng được.

Nếu bây giờ đức Phật còn sống và nói về chuyện coi stock thì ngài sẽ nói đây nghiệp hữu lậu nghĩa là mình có chỗ thất thoát. Thất thoát cái gì? Thất thoát cái tâm Phật của mình, mình không thể yên tịnh được, cái an lạc của mình bị thất thoát, sự vui vẻ của mình không còn nữa mà nếp nhăn trên trán mình hiện ra, tóc bắt đầu bạc. Rõ ràng là hữu lậu tức thất thoát đi.

Ngược lại với nghiệp hữu lậu là nghiệp làm tâm mình ngày càng mở rộng ra, là trạng thái an lạc vui vẻ mà đức Phật nói là “thường lạc ngã tịnh” không đưa tới luânhồi sanh tử mà đưa tới cái nhìn và cuộc sống siêu thoát, vô lậu. Người thiền định lúc nào tâm họ cũng không có các tư tưởng thiện hay ác cả mà tư tưởng họ ở trong cái cõi ánh sáng cho nên gọi là vô lậu.

Như vậy mình có nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp vô ký, nghiệp hữu lậu, nghiệp vô lậu.

Một lần nọ, có người tới hỏi ông thiền sư: “Thưa thầy, mẹ con bệnh. Thầy có thể nào dùng thần thông để làm cho bệnh mẹ con hết?” Ông thiền sư trả lời: “ Chịu! Tôi chỉ biết thiền thôi. Nhưng tôi sẽ kể cho ông nghe câuCauNguyen_0055.jpg chuyện này. Có bà đó đi khắp mọi nơi khóc lóc, bà nói với đức Phật là đời sao bất công quá. Đức Phật hỏi tại sao, bà nói vì đứa con của tôi còn nhỏ như vậy mà nó bệnh rồi chết đi. Ngài có thể làm đứa con tôi sống lại không. Vì con tôi còn nhỏ, chưa làm chuyện gì xấu mà sao lại bệnh rồi chết. Đức Phật nói chuyện cũng dễ thôi. Bà muốn con sống lại thì cứ tìm đến nhà nào chưa hề có người trong gia đình chết cả, xin họ một ly nước đem đến đây, tôi cho con bà uống ly nước đó thì nó sẽ sống lại. Bà đi cùng khắp mà chẳng bao giờ tìm thấy một nhà nào chưa từng có người chết trong gia đình, nhà thì có cha chết, nhà có mẹ chết hay ông nội, bà ngoại, chú bác... Bà về nói với Phật là con không tìm được nhà nào mà không có người chết cà. Đức Phật nói đúng, đó là vô thường, tức là ai cũng sẽ chết cả. Chết rồi thì không sống lại được. Chết đó là định nghiệp tức là mình không thay đổi được. Bất định nghiệp là có thể thay đổi được.

Tôi không cứu bà mẹ cô được không phải vì tôi không có khả năng hay không có nhân duyên nhưng bệnh của bà mẹ cô có nhiều nhân duyên lắm mà tôi không biết được. Nếu muốn cứu thì phải biết được cái nghiệp này có thể cứu được không, nói cách khác là đây là định nghiệp hay bất định nghiệp.

Hỏi: Nếu mình biết được là có 7 loại nghiệp thì mình nên làm gì với sự hiểu biết này?

Sự hiểu biết về nghiệp sẽ đưa tới một chuyện rất thực tế là hiểu rồi thì mình nhìn lại mình coi thử mình đang ở cái nghiệp gì, cảm nhận nghiệp gì đang tới với mình. Trong nghiệp có nhân và quả, nhân là lúc mình tạo ra, quả là lúc chuyện tới với mình mà mình không kháng cự được. Thường mình nói về cái nghiệp có vẻ tiêu cực, cái bệnh hoạn, cái chết thôi. Nhưng sự phước đức, sự sung sướng, chueỵn cái gì mình muốn gì được đó cũng là nghiệp tốt của mình. Nên mình phải nhìn lại coi nghiệp mình đang hưởng bây giờ là thiện hay ác, kết quả những chuyện mình đã làm. Xong rồi mình đặt câu hỏi mới là chuyện mình làm ra ngay bây giờ là đi vào hướng thiện hay là ác, vô ký, hữu lậu hay vô lậu. Mình bắt đầu đặt câu hỏi tiếp là nếu cái quả xấu quá, đau khổ quá thì làm sao. Có bà Ấn Độ này rất đau khổ vì chồng bà bị ở tù oan 15 năm. Người khác thì nói đây là cái định nghiệp không sửa đổi được. Nhưng bà thì nghĩ là bất định nghiệp. Bà tiếp tục đấu tranh, viết 40000 trang giấy để biện hộ cho ông, cho thấy ông bị kết án oan. Kết quả là người ta bắt đầu lắng nghe và sửa đổi lại sau 15 năm.

Thành ra mình cần coi cái quả đó có sửa được không, nếu sửa được thì bằng cách nào. Mình nhìn vào cái quả để coi là định nghiệp hay không định nghiệp, ác hay là thiện. Điều quan trọng nhất là mình có thể chuyển nghiệp tức sửa đổi con đường cuộc sống mình đang hướng tới. Chuyển nghiệp là sử dụng sự hiểu biết của mình vì nhiều khi mình biết trong sách vở, định lý nhưng không biết làm sao chuyển nghiệp.

Hỏi: Như vậy chuyển nghiệp khó hay dễ?

Chuyển nghiệp khó mà cũng dễ. Thí dụ như nếu coi stock lâu lâu 1 lần thì cũng dễ đổi nhưng nếu coi thường xuyên ngày nào cũng coi 2, 3 giờ, coi 15 năm rồi thì có đổi được không? Rất khó. Chuyển nghiệp khó chỗ đó, khó thay đổi thói quen lắm. Nhưng cũng dễ vô cùng nếu mình làm được cái gọi là “quantum leap” tức bước nhảy vọt, nhẩy qua được bờ tường rồi thì dễ vô cùng. Chuyển nghiệp khởi đầu từ sự thay đổi cái thói quen của mình khi nhận ra con đường đúng. Nhiều người đi Las Vegas hằng tuần, như vậy thì khó sửa lắm nhưng nếu họ có ý chí mạnh, và nhân duyên đã tới rồi tức thời cơ, gia đình, bạn bè... khuyến khích, có thiện tri thức giúp hay chuyện khác, thí dụ như xăng mắc quá, không đi xa nữa... thì có thể làm được. Quan trọng là mình muốn thay đổi thói quen, đồng thời có nhân duyên phụ trợ. Như vậy thì trả lời câu hỏi là vừa khó vừa dễ.

Khó lúc đầu thôi, là thay đổi cái tập quán, thói quen của mình. Thầy nhớ lần đầu tiên người ta chê thầy giảng pháp quá dở. Mình nghe mình khó chịu, tức vô cùng. Rồi mình nghĩ có thể sửa đổi cách giảng cho hay. Thì ông thầy đứng cạnh nói: Không phải người ta phê bình ông giảng dở, người ta phê bình ông kiêu ngạo. À, cái đó mới khó sửa đó. Mình bắt đầu nói mình đâu có kiêu ngạo, bắt đầu chống lại cái đó. Nhưng khi mình chấp mhận tánh mình kiêu ngạo thì mình bắt đầu có chỗ để thay đổi. Té ra sự khó khăn là do mình không chịu chấp nhận. Nó sẽ dễ dàng hơn nếu mình chấp nhận rằng đúng, mình đã làm chuyện ác, đã làm chuyện xấu. Khi nghĩ như vậy thì mình có hy vọng. Nên trong Lương Hoàng Sám có nói trong vũ trụ này có hai hạng người: hạng người không làm chuyện gì sai lầm cả và hạng thứ hai là làm sai lầm mà biết sửa. Đó là cái hay nhất của chuyển nghiệp . Chuyển nghiệp rất dễ nếu mình biết sửa đổi, dám chấp nhận rằng mình xấu và thấy rằng mình có khả năng sửa đổi. Lòng muốn sửa đổi này quan trọng vô cùng

Tóm lược: Ý chính là nghiệp trùng trùng, vô lượng vô biên đủ thứ loại cả. Mỗi ngày mở mắt ra là mình làm không biết bao nhiêu chuyện, suy nghĩ, nói năng... Nhất là cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Mình không thể giữ cái lưỡi được, lạ vậy đó. Nhưng phải nghĩ trong cuộc sống của mình, mình chuyển nghiệp hay tạo nghiệp. Chuyển nghiệp là làm chủ được hành động, lời nói, suy nghĩ, biết phương hướng. Tạo nghiệp là khi mình không hiểu được cái quả, không biết được thiện hay ác, làm một cách bừa bãi

Mình nên nhìn lại thói quen, sửa đổi thói quen nếu mình biết nó là thói quen tạo nghiệp. Sự sửa đổi đó bao giờ cũng khó khăn lúc đầu vì mình không muốn thay đổi. Căn bản là mình nên chấp nhận mình có lỗi, có tội, cần phải sửa đổi và nên vui vẻ là mình vừa khám phá ra một chuyện quan trọng vô cùng là mình có khả năng để sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Đó chính là đề tài quan trọng nhất khi nói về nghiệp: mình làm chủ, mình có thể chuyển nghiệp.

****************
source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment