Sunday 20 June 2010

Những gia đình tràn đầy hạnh phúc



Cập nhật lúc 3:54:30 AM - 20/06/2010

Tran-kim-Quy.jpg


Ông Trần Kim Quý, một người cha hạnh phúc - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông.


Thanh Phong/Viễn Đông


LITTLE SAIGON - Hoa Kỳ có hai ngày lễ dành cho bậc sinh thành: Ngày Hiền Mẫu và Ngày Hiền Phụ vào tháng 5 và tháng 6 hàng năm. Hai ngày lễ này nhằm nhắc nhở con cái về bổn phận và trách nhiệm đối với các bậc sinh thành, nhưng đồng thời cũng là ngày mang lại niềm vui cho các bà mẹ hoặc các ông bố và ngược lại. Sung sướng biết bao cho những gia đình được sống trong hạnh phúc và bình an. Trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, không thiếu những gia đình may mắn đó.


Gia đình ông bà Trần Kim Quý ở Santa Ana


Ông bà Quý có hai người con, một gái, một trai. Người con gái là Trần Nguyễn Tú Trinh, một nữ Hướng Đạo thuộc Liên Đoàn Chi Lăng, Trưởng ngành Ấu, đã đạt được đẳng cấp cao quý nhất của Nữ Hướng Đạo. Mặc dù còn đang học tại OCC, Tú Trinh đã làm việc cho binh chủng Không Quân. Tú Trinh luôn luôn có mặt bên cạnh cha, mỗi khi có những buổi sinh hoạt phụ huynh học sinh của trường La Quinta, và Tú Trinh hay chia sẻ những cảm nghiệm của em với phụ huynh.

Người con thứ hai của ông bà Trần Kim Quý là Trần Nguyễn Triết, hiện phục vụ trong binh chủng Hải Quân Hoa Kỳ và đang làm việc trên một chiến hạm.

Bản thân ông Trần Kim Quý là một cựu Hướng Đạo Sinh và nay ở trong Hội Phụ Huynh Hướng Đạo Liên Đoàn Chi Lăng. Ông bà tham gia vào Hội Trái Tim Bác Ái với Bác sĩ Thùy Anh, mục đích để giúp phụ huynh hiểu biết về quyền lợi của những trẻ em mắc bệnh tự kỷ, và tình nguyện làm những công tác bác ái xã hội, hầu giúp cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn lên.

Trả lời câu hỏi của Viễn Đông về bí quyết nào giúp gia đình ông có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc như hiện tại, ông Trần Kim Quý cho biết:

“Thứ nhất là do vấn đề giáo dục gia đình, việc này tôi cho là quan trọng nhất. Vợ chồng tôi đều có chung một quan điểm, trước tiên mình là cha mẹ phải làm gương cho con cái trước, nên chúng tôi hạn chế coi Tivi. Trong bữa ăn chỉ mở nhạc nhẹ và nói chuyện sinh hoạt gia đình, con cái có điều gì thắc mắc thì nêu lên, rồi chúng tôi chia sẻ với con. Mỗi ngày chúng tôi khuyên con cái chỉ xem truyền hình trong một thời gian nhất định. Đặc biệt, không để máy computer trong phòng riêng của hai đứa con, máy computer để ở phòng khách. Sở dĩ chúng tôi làm như vậy, vì như anh cũng biết, tác hại của computer ghê gớm lắm! Và chúng tôi cắt nghĩa cho các con nghe, hai con tôi đều vui vẻ chấp nhận. Chúng tôi thường xuyên trò chuyện với các con; và trong giờ học, chúng tôi là thầy, ở nhà chúng tôi là bố mẹ; nhưng ngoài giờ học, chúng tôi coi con như bạn, nhờ vậy các con luôn luôn chia sẻ với mình, cả những chuyện riêng tư, thầm kín. Tôi thường nói với các bạn tôi rằng: Từ khi con cái còn nhỏ đến lúc chúng trưởng thành, ngày nào mình còn đi chơi, còn nói chuyện thân mật với con, là ngày ấy hạnh phúc nhất đời”.

Về quan niệm giáo dục, anh Quý cho rằng, mình nên phối hợp giữa hai nền giáo dục Đông-Tây, nên cởi mở với con cái, nhưng cũng đừng quá lỏng lẻo thì con cái không thể nào hư hỏng được. Anh nói: “Gia đình chúng tôi rất may mắn, vì nhờ bà xã tôi và tôi luôn luôn tâm đầu ý hợp trong vấn đề giáo dục con cái, nên tuy chỉ có hai đứa con, chúng tôi luôn luôn tôn trọng ước nguyện của chúng, muốn theo ngành nghề gì tùy ý. Nhưng các cháu luôn luôn hỏi ý kiến chúng tôi, nhờ vậy mà cho đến bây giờ, chúng tôi cảm thấy rất mãn nguyện về con cái và gia đình luôn luôn đầm ấm, hạnh phúc”.


Gia đình ông bà Trần Đức Nhã ở Huntington Beach

Ông Nhã xuất thân từ khóa 14 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau ngày mãn khóa ông về trường tình báo Cây Mai. Sau biến cố 1975, ông phải đi tù (...) đúng 10 năm, trải qua các trại (...) Long Khánh, rồi ra Bắc cùng chuyến tàu với Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận (sau là Hồng Y), nhưng khi ra đến Sơn Thượng, thì Đức TGM Nguyễn Văn Thuận phải đi Tuyên Quang, còn ông đi Lào Cai, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, và cuối cùng về (...) Hàm Tân, trước khi được thả vào ngày 25-6-1985 và qua Hoa Kỳ theo danh sách HO. 20.

Sinh trưởng trong một gia đình đạo đức tại Phát Diệm, ông lập gia đình với một cô gái Hà Thành nhưng cũng gốc Phát Diệm, tên là cô Phan Kim Bình, nay là bà Trần Đức Nhã. Hai ông bà có 6 người con, 4 trai, 2 gái. Hai người con đầu đã có gia đình và cho ông bà 7 đứa cháu nội ngoại. Trong số các con, có hai người hiện là kỹ sư điện, một người con trai phục vụ trong Quân Lực Hoa Kỳ, một người con gái làm việc chăm sóc người tàn tật, và một người làm về nghề trang trí nội thất.


Tran-duc-Nha.jpg


Mỗi cuối tuần, con cháu đến quây quần bên ông bà Trần Đức Nhã - ảnh tài liệu gia đình.


Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Nhã cho biết: “Hiện giờ chúng tôi rất mãn nguyện với cuộc sống, vì con cái đã thành đạt, tuy không ở những địa vị cao, nhưng các cháu rất thương bố mẹ. Chúng tôi muốn gì được nấy. Trong những ngày lễ, đặc biệt ngày Hiền Mẫu hay ngày Hiền Phụ, các cháu mua vé đưa bố mẹ đi hết chỗ này tới chỗ kia chơi. Các cháu nói, bố mẹ lớn tuổi rồi, đi chơi với con cháu, mai mốt thêm vài tuổi nữa, biết có đi nổi không; và chúng mua vé máy bay cho chúng tôi đi Âu châu, đi Roma…. Trong nhà, chúng tôi chả phải sắm sửa gì, các cháu lo hết. Và đặc biệt anh chị em nó rất thương nhau, đùm bọc nhau, dâu cũng như rể, đều như anh em ruột thịt, không phân biệt”.

Bà Trần Đức Nhã nói, “Cứ cuối tuần, tất cả các cháu lại về quây quần bên vợ chồng tôi, rồi có khi có cả cô, dì các cháu cũng đến. Cuối tuần, tôi biết các cháu thích ăn món gì là tôi nấu, và thay đổi, tuần này món này thì tuần sau món khác”.

Bản thân ông Trần Đức Nhã, theo ông cho biết, sau khi qua Mỹ, ông được một gia đình bảo trợ về miền Bắc Cali, sau đó dời xuống Nam Cali và được một người bạn là ông Hoàng Quý (đã qua đời), giới thiệu với Đức Ông Nguyễn Đức Tiến, để ông làm quản trị Nguyệt san Hiệp Nhất và phụ trách kiếm quảng cáo để tờ báo sống còn. Nhờ sự tháo vát và tài ngoại giao khéo léo, ông đã làm cho tờ Hiệp Nhất từ lỗ lã đến có lời. Sau đó ông làm Tổng Thủ Quỹ Cộng Đồng; ông làm việc này khoảng 14, 15 năm qua; ba vị Chủ tịch Cộng đồng là Luật sư Phạm Văn Phổ, Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn và Bác sĩ Lê Duy Huân trong 9 năm. Đến tháng 8-2009 ông xin nghỉ hưu và hiện nay làm Hội trưởng Hội Bảo Trợ Nữ Tu Hưu Trí Việt Nam, lo cho các nữ tu già yếu về hưu, đang phải sống kham khổ.

Chúng tôi hỏi ông bà về quan điểm giáo dục con cái của ông bà như thế nào. Bà Trần Đức Nhã nói: “Đối với tôi, tôi luôn luôn cảm tạ Chúa, vì Chúa đã soi sáng cho chúng tôi biết cách giáo dục con cái. Chúa cho con cái chúng tôi biết nghe lời cha mẹ và sống theo lời Chúa dạy, vì thế mà gia đình lúc nào cũng cảm thấy yên vui”.

Ông Trần Đức Nhã nói: “Sống trong xã hội Mỹ này, mình nên học hỏi những điều hay của đất nước Hoa Kỳ để áp dụng vào cuộc sống gia đình”.

Chúng tôi xin ông đan cử một trong những điều mà ông cho là “hay” của xã hội Mỹ. Ông Nhã nói: “Ngày xưa theo quan niệm Việt Nam, cha mẹ luôn luôn áp đặt con cái, bắt con làm theo ý mình; thí dụ muốn con phải học trở thành bác sĩ, kỹ sư, trong khi ý con không muốn, nên mới xảy ra cái chuyện con bóp cổ mẹ chết mới đây, mà chính báo Viễn Đông cũng đã loan tin. Còn người Mỹ, họ tôn trọng ý muốn của con họ. Họ chiều theo ý con họ, vì họ biết, muốn theo đuổi ngành nghề gì, thì nó có thích nó học mới vào. Và người Mỹ họ không quan niệm nghề nào xấu, nghề nào bị coi thường, coi rẻ. Còn Việt Nam mình vẫn còn nhiều người có đầu óc cổ hủ, chỉ muốn con mình đỗ đạt cao để làm rạng danh dòng tộc. Chúng tôi theo Mỹ điểm này, con cái thích học ngành gì, chúng tôi OK; con trai nếu muốn đi lính giống bố ngày xưa tôi càng OK”.

Ông Nhã cũng nói, bố mẹ cần nêu gương sáng cho con cái, bố mẹ là tấm gương cho con nó nhìn suốt đời. Nếu mình làm việc thiện, việc tốt, con cái sẽ bắt chứơc. Ông nói rằng, mỗi tối gia đình ông đều quây quần trước bàn thờ đọc kinh tối, mỗi thứ Sáu hay thứ Bảy đầu tháng, hai ông bà đều đi tham dự thánh lễ tại Trung tâm Công giáo. Vào mùa hè, hai ông bà ra bãi biển Huntington Beach đi bộ khoảng một tiếng; mùa đông thì hai ông bà dung dăng dung dẻ quanh xóm cho dãn gân, dãn cốt, nhờ vậy mà ít bệnh vặt.

Trước khi từ giã, ông Trần Đức Nhã tâm sự: “Thật sự lúc này là lúc gia đình tôi mãn nguyện nhất, không phải lo lắng điều gì cả; mọi cái đều con cái lo cho hết, nên chúng tôi dành thì giờ lo việc bác ái, xã hội và luôn luôn cầu xin cho mình được sống đẹp lòng Chúa là tốt rồi. Cho tôi xin một lời chúc mừng đến tất cả các người cha trong ngày Father’s Day này”.
source
VienDongDaily

No comments:

Post a Comment