Trịnh Hội
Hôm qua tình cờ tôi đọc được một bài báo nói về lý do tại sao cách đây 65 triệu năm loài khủng long bỗng nhiên bị tuyệt chủng. Sau hơn hai thập niên tìm hiểu, tra cứu và bàn cãi, các khoa học gia trên thế giới đã cùng đồng ý là lý do duy nhất có thể chứng minh được là vì lúc ấy có một viên đá asteroid khổng lồ với chiều ngang khoảng độ chừng 15 cây số từ bên ngoài không gian đã đâm sầm vào Trái Ðất.
Nó đã tạo nên một cơn chấn động khủng khiếp, đất đá bụi mờ đã phủ trùm Trái Ðất trong suốt một thời gian dài gây ra những Mùa Ðông lạnh lẽo năm này sang năm khác và vì thế phần lớn cây cỏ, vạn vật đều không thể chịu nổi phải chết đi. Trong đó có cả loài khủng long lúc ấy đang là bá chủ toàn cầu.
Theo các khoa học gia cho biết khoảng thời gian ấy cũng có thể được xem như là một khoảng thời gian có tính cách quyết định đối với nhân loại. Bởi lẽ chỉ sau khi loài khủng long bị tuyệt chủng thì các động vật khác trong đó có thủy tổ của loài người mới có cơ hội tồn tại và phát triển. Ðể cho đến hôm nay chúng ta là bá chủ trong muôn vật.
Nhưng khi tôi đọc xong bài báo khá thích thú này thì không hiểu sao trong đầu tôi lại không nhớ hoặc có tiếc nuối gì về loài khủng long kia. Mà bỗng nhiên tôi lại bắt đầu có những suy nghĩ rất vớ va, vớ vẩn về thời gian và ý nghĩa của cuộc sống.
160 triệu năm. Một khoảng thời gian khá dài. Nhất là khi ta so sánh nó với sự trường tồn của một đời người. Hay thậm chí của một dân tộc. Một đất nước.
Nó làm cho tôi nhớ lại hôm tôi gặp Giáo Sư Thiên Văn Học Trịnh Xuân Thuận ở trường Ðại Học Virginia để phỏng vấn ông cho chương trình Paris By Night 99. Ông đã giải thích cặn kẽ cho tôi biết tại sao thiên văn học đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống và đặc biệt là nhân sinh quan của mỗi người trong chúng ta.
Vì nếu suy nghĩ kỹ, nếu chúng ta biết được rằng Trái Ðất chỉ là một hành tinh nhỏ trong hàng ngàn hành tinh khác trong giải ngân hà. Và có hàng triệu, triệu tỷ các hành tinh khác trong vũ trụ, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng sự trường tồn của chúng ta thật chẳng có ý nghĩa gì đối với thời gian và không gian.
Chúng ta sống cứ như thể chúng ta sẽ sống mãi mãi. Chúng ta yêu, giận, vui, buồn cứ như thể đấy mới là sự thật, là cội nguồn mang đến ý nghĩa trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta. Nhưng có biết đâu khi chúng ta tĩnh tâm nhìn lại thì rõ là cuộc sống này nó cũng quả rất vô thường. Rất ngắn ngủi.
Bởi thế hôm nay trong một ngày đầu Xuân đầy nắng ấm, tôi xin gửi đến các bạn một số lời khuyên mà tôi vừa nhận được từ gia đình ở phương xa gửi cho tôi xem mà sau khi đọc xong tôi đã hiểu rõ hơn thêm được một tí về hai chữ: An Lạc.
- Hãy đừng so sánh bạn với một ai cả vì làm như thế là bạn đã tự coi thường chính mình.
- Không có một ổ khóa nào được làm ra mà không có chiếc chìa khóa để mở nó ra. Vì vậy tạo hóa cũng sẽ không bao giờ mang đến cho bạn bất cứ một vấn đề gì mà không có cách giải quyết riêng cho nó.
- Hãy chấp nhận khi bạn mất mát. Hãy im lặng khi bạn thành công. Và hãy vui lên khi bạn chiến thắng được chính mình.
- Không ai có thể quay lại quá khứ để thay đổi những lỗi lầm của chính mình. Nhưng ta có thể bắt đầu ngay bây giờ nhận ra những lỗi lầm của mình để tránh những sai phạm trong tương lai.
- Cuộc đời vẫn mỉm cười khi bạn đang đau khổ. Và nó cũng mỉm cười khi bạn đang hạnh phúc. Vì vậy bạn hãy mỉm cười dù có được hạnh phúc hay đang gặp khổ đau.
- Ai trong chúng ta cũng có thể không chấp nhận sinh phiền não. Nhưng muốn không phiền não bạn phải biết chấp nhận. Vì tình thương trong ta là một tài nguyên không bao giờ cạn. Và nó chỉ tăng thêm khi ta mang ra hiến tặng cho người.
- Chúng ta thường rất dễ dàng phê phán một khuyết điểm nhỏ của người khác. Nhưng lại rất khó nhận ra lỗi lầm lớn của chính chúng ta. Bởi thế, trí tuệ chỉ sẽ được hình thành từ sự nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của chính mình.
- Hãy là tấm gương soi rọi cho chính bản thân mình. Vì chỉ khi ấy thân bạn mới an. Và tâm bạn mới lạc.
Thế đã nhé. Ðấy là tất cả những gì tôi vừa học được. Và cũng cầu mong rằng bạn và tôi thân tâm luôn an lạc.
source
One Viet
No comments:
Post a Comment