Tuesday 29 November 2011

Sự thật về mẹ ruột cậu bé Pax Thiên



Monday, 19 September 2011 13:36

Nhìn Phạm Thu Dung trong bức ảnh mới chụp, không ít người giật mình : Dung có nhiều nét hao hao… Angelina Jolie, từ gương mặt góc cạnh đến bờ môi hơi dày. Hai người phụ nữ này đã và đang là một phần quan trọng trong cuộc đời Pax Thiên, một đã sinh ra cậu và một đang nuôi cậu trong giấc mơ thiên đường.

Đêm định mệnh

21h ngày 29.11.2004, bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận một sản phụ có dấu hiệu sắp sinh. Sản phụ được chuyển gấp vào khoa sản và nửa tiếng sau, dù thiếu tháng, một cậu bé 2,1 kg đã ra đời. Người sản phụ đó tên Phạm Thu Dung. Đứa bé được đặt tên là Quang Sáng, lấy họ mẹ.

Sinh con xong, Dung quyết định không nhìn mặt đứa bé, điều ấy mang tính định mệnh trong cuộc đời Phạm Quang Sáng hay Pax Thiên Jolie-Pitt sau này. Vì chỉ 2 ngày sau, Dung trốn viện, khi đó vẫn còn đang nợ 480.000 đồng tiền viện phí vì không có tiền.

Phạm Quang Sáng, cái tên được nảy ra từ ý nghĩ bất chợt của người mẹ, liên quan tới truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà Dung từng rất cảm động khi đọc từ ngày bé. Vài ngày sau khi chào đời, Phạm Quang Sáng được đưa về Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tam Bình.

Trước 21h, Phạm Thu Dung vẫn còn đang phê thuốc, cô đau bụng dữ dội nhưng không nghĩ mình đau đẻ. Để hạ cơn đau, Dung nhờ bạn cho thêm một liều nữa, vẫn không giảm và cô quyết định vào bệnh viện. Cuộc đời của Phạm Thu Dung trước và sau sự kiện Phạm Quang Sáng đều liên quan đến một sợi dây oan nghiệt : Ma túy.

Một cuộc đời sa ngã

Dung vẫn nhớ những ngày tháng ăn chơi ở vài vũ trường đình đám Sài Gòn gần 15 năm trước. 18 tuổi (1995), tới vũ trường Mỹ Mãn hay Thái Sơn thì hầu như ai cũng biết tiếng Dung, quậy kinh khủng. Vũ trường thâu đêm suốt sáng, rượu bia, hàng trắng, đánh nhau như cơm bữa, thanh toán giang hồ...

Cứ vô sàn mà thấy ai có vẻ sốc sốc là Dung “anh chị” ngay, đánh không cần nghĩ ngợi, đánh đến nỗi mà bảo vệ nhìn thấy mặt cô là phải năn nỉ “thôi tối nay đừng giở trò gì nữa nha”.

Đám chiến hữu của cô cũng toàn máu mặt, dân anh chị có số ở quận 4. Dung nổi danh đi đánh lộn ra tiền, tức là đánh xong hôm sau bắt nạn nhân tới quán cà phê trên đường Lê Thánh Tôn “phạt”. Cả đám dân chơi trẻ tuổi, tầm 20 như nhau, không về nhà, bỏ tiền ra thuê một căn nhà trên đường Lê Văn Sỹ, ban ngày tụ tập ở đó, tối đến mỗi người một hướng. Đứa thì đi làm vũ trường, đứa đi chơi và hầu như đứa nào cũng dính “trắng”. Nhiều người bạn của Dung đã chết vì sốc thuốc, có người chết vì HIV.

Mẹ đẻ bé Phạm Quang Sáng - chị Phạm Thu Dung.

Pax Thiên giờ đã có một người mẹ mới, Angelina Jolie

19 tuổi cô bắt đầu lậm vào hàng trắng và nghiện. Dung kể, lúc đó bạn bè cứ đưa nhưng cô từ chối và rồi họ vẫn cứ tiếp tục đưa, nói “thử đi rồi cuộc đời mày sẽ khác, cuối cùng thì đời em khác thiệt”. Ở độ tuổi đó Thu Dung cũng khá bốc đồng, ai khích là cô làm ngay.

Thời điểm ấy gia đình Dung khá giả nhờ ba là thuyền trưởng tàu viễn dương. Nhưng Dung đã quậy nức tiếng, chẳng tiền của nào lại được. Để có tiền (vì lúc này ba mẹ Dung quyết định “cấm vận tài chính”), Dung đi cầm xe rồi gửi giấy về cho nhà chuộc ra. Dung nhớ có lần ba cô đi công tác về nhưng không thấy chìa khóa tủ nên kêu cô ra chợ tìm mẹ mang chìa khóa về.

Dung kiếm được mẹ, lấy chìa khóa nhưng trước khi mang về, cô rẽ ngang vào hàng làm chìa khóa “thửa” riêng 1 cái. Vì thế sau này cô có tiền khá dễ dàng, lúc lấy tiền, lúc cắt vàng ra bán. Hoặc có những lúc cô đi mượn nợ, đến lúc không trả nổi thì chủ nợ cứ đến nhà là mẹ phải trả, riết thành quen. Dung nhớ lại có lẽ mình đã phá hết nửa gia tài của ba mẹ và sau này khi cha mẹ cô làm ăn thất bát thì gia cảnh lâm vào khó khăn thật sự.

Phạm Thu Dung ở thời điểm đó rất khác với Phạm Thu Dung của tuổi 19 trở về trước. Cô là đứa con được cưng nhất trong nhà. Hồi nhỏ cô học giỏi, cấp I & II học ở Âu Dương Lân (quận 8), cấp 3 học trường Lê Quý Đôn. Lớp 12 thi tốt nghiệp cô đạt 4 môn hơn 38 điểm. Suốt 9 năm trời Dung đều là học sinh giỏi.

Năm học lớp 10 đi xe đạp bị đụng gãy chân, liền được ba mua ngay cho chiếc xe Astrea, thời điểm đó chỉ có con nhà giàu mới được cưng thế. Có lẽ vì sung sướng như vậy mà cô hư sớm. Dung bắt đầu sa ngã khi vào năm lớp 11. Thời gian đó ba cô đi công tác suốt, chỉ có mẹ ở nhà.

Dung thường nói dối mẹ là đi học, nhưng thật ra là đi chơi, từ vũ trường này tới vũ trường khác, đúng 22h30 là có mặt ở nhà. Có người thấy về báo với gia đình nhưng nhà Dung chẳng ai tin. Cứ thế, sau khi tốt nghiệp xong thì Dung “bùng nổ”…

Dung vẫn còn nhớ, ngày 25.3.1998, khi mẹ đưa cô đi cai nghiện ở Trung tâm Bình Triệu (năm đó Dung 21 tuổi), thì ba cô mới biết sự thực. Buổi tối, ông ngồi trên ghế ở phòng khách, và khóc. Sau, ông ra bàn thờ thắp nhang cho ông nội, lại đứng khóc. Lúc đó Dung tự hứa với lòng là sẽ cai, cô nói với ba “thôi ba đưa con đi cai đi, con không thể sống như vậy được nữa”.

Nhưng sau 3 tháng, về, cô tái nghiện, rồi cai nghiện lại tái nghiện. Dung chẳng còn nhớ mình đã đi cai bao nhiêu lần, cai xong, nghiện lại. Giờ ngồi nghĩ lại Dung nói rằng cuộc đời cô không có cái đích để đến, là do cô cả, chính cô đã hủy hoại tương lai của mình.

Dung nói cô thần tượng ba mình. Chính ba đã định hướng cho anh chị em trong nhà, nhưng Dung là đứa con đi lệch. Nếu đi đúng hướng có thể đời cô đã khác. Và nếu như mối tình đầu êm đẹp thì có lẽ số phận của cô cũng đã khác. Tình đầu tan vỡ, đẩy cô gái trẻ vào một cảm giác trả thù đời. Dung tụ tập vũ trường, hàng trắng như một cách tìm quên. Đàn ông cô tới với họ cũng chỉ vì tiền, chẳng cần tình yêu.

Sau này, khi gặp cha ruột của Quang Sáng, một phần cũng là vì tiền. Lúc đó Dung đang là công nhân may tại một công ty ở Lái Thiêu (Bình Dương), người đàn ông này lúc đó là tổ trưởng tổ của cô, đã có vợ và con. Có vẻ giữa hai người có xích mích nên năm 2004 Dung quyết định chia tay, nghỉ làm, khi ấy cô chưa biết mình đã có thai.

Và rồi cái thai lớn dần, cha đứa bé không hề hay biết và Dung cũng quyết định không nói. Cô cũng từng có ý định phá thai nhưng thương đứa bé vô tội, nên quyết định giữ lại. Lúc ấy Dung đã cai được ma túy, nhưng khi biết mình có bầu, cảm thấy buồn chán, cuộc sống bế tắc, không tình yêu, thất nghiệp, nên cô dính lại.

Đứa con lớn dần trong bụng, Dung cũng chẳng nghĩ đến chuyện đi khám, cô chỉ cần tiền để nuôi sống cơn nghiện. “Lúc đó tôi là một người rất khác, vô trách nhiệm với mình và con của mình, không gì có thể biện hộ được”, Dung nhớ lại.

Sau đêm 29.11.2004

Sau đêm đó, bạn của Dung báo cho chị ruột của cô và hai ngày sau, hai chị em trốn viện. “Tôi không thể nào nuôi con vậy được. Tôi nghĩ nếu tôi nuôi nó cũng sẽ không có tương lai, thà làm như vậy biết đâu nó có tương lai tốt hơn. Lúc làm giấy khai sinh cho nó, không hiểu sao tôi lại để tên thật, địa chỉ nhà cũng là địa chỉ thật, vì nếu làm khác đi chắc đến giờ cũng chẳng ai biết…

Giờ nghĩ lại, thời điểm ấy có điều gì đó thôi thúc tôi phải nói sự thật, phải làm một điều gì đó thật lòng, dù là rất nhỏ bé, cho đứa con của mình. Lúc đó tôi chẳng còn nghĩ gì được hết, cứ nghĩ là mình để nó lại bệnh viện, đừng biết tới nữa. Nhưng thật tâm tôi đau lắm”.

Thời điểm đó nhà Dung rất nghèo, gia đình chuyển từ quận 8 xuống Thủ Đức sống. Đưa Dung về nhà nhưng không ai biết cô mới đẻ xong, chị của cô chỉ nói là cô bị sốt và cần vào phòng nằm nghỉ. Ba cô không biết gì hết “tại ổng khó lắm, ổng mà biết sự thật này chắc ổng sốc”. Phải mãi sau này khi người của Trung tâm Tam Bình đến nhà tìm thì ba của Dung mới biết…

Thay đổi cuộc đời

Thời điểm đoàn nhà báo nước ngoài đến nhà Dung năm 2007 (sau đó có một bài nói về việc cô sẽ đòi lại con đăng trên tờ News Of The World), Dung đang sốt li bì và chẳng hay biết gì. Đúng ra Dung chẳng quan tâm. Cô nhớ lại thời điểm trước đó, 28 Tết (năm 2006), “bác Hào (Phó giám đốc trung tâm Tam Bình), đi cùng một người bên Hội phụ nữ và cảnh sát khu vực ghé nhà nói chuyện với ba tôi (Dung ở trong phòng) và họ có yêu cầu ba ký tên vào tờ giấy cho con (tức Phạm Quang Sáng).

Sau đó tôi có hỏi là sao ba không để trung tâm giải quyết mà ba phải ký thì ba nói, có một gia đình người nước ngoài nhận nuôi Sáng và họ yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ. Lúc đó ba tôi mừng lắm khi biết tin một gia đình nước ngoài nhận nuôi Sáng. Bản thân tôi cũng vậy”.

Và cũng chính lúc đó, Dung nghĩ rằng mình phải thay đổi. Giữa năm 2007 Dung ra Nha Trang quyết tâm là cai bằng được. Cô tự cai ở nhà trọ của mình, mệt thì uống thuốc, mệt nữa thì ra biển tắm. Cô tự hứa với mình rằng mình phải sống khác, phải sống làm sao “để một ngày nào đó nếu đứa con có quay về tìm mình thì mình đứng thẳng chứ không phải cúi gằm mặt xuống”.

Phải đến năm 2009, Phạm Thu Dung mới biết chuyện Pax Thiên, đó là khi bà nội cô mất, cô về Sài Gòn và được anh ruột cho biết. “Tôi về nhà hỏi, cuối cùng ba mẹ mới nói hết cho tôi nghe. Có điều vào thời điểm đó có nhiều bài báo viết sai sự thật về tôi, họ viết tôi đòi con này nọ, tôi đọc rất bực mình”.

“Vậy nếu chị biết sự việc vào đúng thời điểm Angelina Jolie nhận nuôi Pax Thiên, chị có đòi tiền hay phá bĩnh gì không ?”.

Dung trả lời : “Mình làm vậy chẳng khác nào mình bán con mình lần hai, nhẫn tâm lắm. Tôi không hề có khái niệm gặp Jolie để nói rằng : bà phải cho tôi bao nhiêu đây tiền để tôi gầy dựng cuộc sống. Tôi chỉ mong Sáng được hạnh phúc, có một cuộc sống tốt, tốt hơn là ở với tôi, chỉ thế thôi”.

Dung cho rằng cuộc đời cô như vậy nhưng cuối cùng Pax Thiên được sung sướng thì giống như là một sự bù đắp.

“Đường đời của tôi bất hạnh là do tôi, cái vòng luẩn quẩn đó tôi từng muốn thoát ra mà không thoát được. Đâm ra có lẽ đó là cái luật bù trừ, con tôi sẽ được hạnh phúc hơn tôi, nó xứng đáng được như vậy. Nếu gặp Jolie có lẽ tôi chẳng biết nói gì, nhưng trong thâm tâm tôi tin đó là một người phụ nữ rất tuyệt vời và tôi cảm ơn bà vì tất cả. Tôi đọc nhiều bài báo nói Jolie nhận con nuôi để tìm kiếm thêm sự nổi tiếng, nhưng tôi tin không phải như vậy, Jolie nhận con nuôi là vì cái tâm. Tôi hiểu điều đó và rất kính trọng Jolie vì điều đó. Tôi là một người mẹ không có trách nhiệm”.

Nguồn : TTVH

source
Calitoday

Wednesday 16 November 2011

9 nghề đang giẫy chết vì kỹ thuật



(VienDongDaily.Com - 17/10/2011)
Trong thời đại Internet và tự động hóa gia tăng, một thế hệ mới gồm những người làm việc toàn thời gian đang sắp sửa mất việc làm, nhường chỗ cho kỹ thuật.
Trong thời đại Internet và tự động hóa gia tăng, một thế hệ mới gồm những người làm việc toàn thời gian đang sắp sửa mất việc làm, nhường chỗ cho kỹ thuật. 24/7 Wall Street đã sử dụng những tin tức, do Nha Thống Kê Lao Động (BLS) cung cấp, để xác định những loại công việc nào sẽ mất đi mức tỉ lệ phần trăm cao nhất trong số những việc làm hiện nay, trong vòng 10 năm sắp tới.

Nhiều công việc đang có mặt trong những ngành kỹ nghệ, trong đó tiến bộ kỹ thuật đã gây ra những mức cắt giảm lớn trong lực lượng lao động. Hiện nay người ta dự đoán lực lượng nhân công sẽ tiếp tục thu hẹp thêm nữa, trong những ngành kỹ nghệ này, vì chính những công nhân được huấn luyện để trông coi máy móc lại sẽ bị thay thế bởi những thứ máy móc và nhu liệu mới phụ trách quản trị những loại máy móc cũ.

9. Thợ sửa đồng hồ

Tỉ lệ giảm bớt tính cho tới năm 2018: -13,84 phần trăm
Số thợ hành nghề trong năm 2008: 3.200 người
Mức thu nhập trung bình hàng năm: 37.180 Mỹ kim
Những người thợ sửa đồng hồ phụ trách chế tạo và tu sửa những loại đồng hồ đeo tay và đồng hồ bỏ túi. Tính trên toàn quốc Hoa Kỳ, chỉ có 3.200 thợ sửa đồng hồ. Đến năm 2018, con số này sẽ giảm thêm 400 người, tức bớt đi 13,84 phần trăm.

8. Thợ ốp giấy vào tường
Tỉ lệ giảm bớt tính cho tới năm 2018: -14,48 phần trăm
Số thợ hành nghề trong năm 2008: 7.400 người
Mức thu nhập trung bình hàng năm: 37.600 Mỹ kim
Công việc chính yếu của những người thợ ốp giấy là lắp đặt, sửa chữa hoặc thay thế những tấm giấy dán vào tường trong nhà, nhưng họ cũng làm việc tu sửa những tấm bảng hiệu và các loại dấu hiệu. Trong năm 2018 có 7.400 người thợ ốp giấy. Đến năm 2018, con số này sẽ giảm bớt 15 phần trăm, xuống còn 6.300 người. Cũng như thợ sơn, thợ ốp giấy thường tự mình điều hành công việc kinh doanh, thường là sau khoảng thời gian học nghề với một chuyên viên.

7. Thợ sửa máy ảnh và những thiết bị chụp hình
Tỉ lệ giảm bớt tính cho tới năm 2018: -15,4 phần trăm
Số thợ hành nghề trong năm 2008: 4.600 người
Mức thu nhập trung bình hàng năm: 37.180 Mỹ kim
Giữa lúc những loại máy chụp ảnh kỹ thuật số đang chiếm lĩnh ngành kỹ nghệ nhiếp ảnh, và phim càng ngày càng trở nên sản phẩm tân kỳ, công việc mưu sinh của những người thợ sửa máy ảnh sẽ bị đe dọa. Trong khi Nha Lao Động cho biết rằng có một số cơ hội dành cho những người làm việc tại những trung tâm sửa máy được bảo hành, thì điều này cũng không đủ để ngăn ngừa một mức sút giảm gần 700 việc làm cho tới năm 2018.

6. Nhân viên điều hành máy vi tính
Tỉ lệ giảm bớt tính cho tới năm 2018: -18,1 phần trăm
Số thợ hành nghề trong năm 2008: 110.000 người
Mức thu nhập trung bình hàng năm: 36.390 Mỹ kim
Những người điều hành máy vi tính làm việc trong nhiều ngành kinh doanh khác nhau, trong các văn phòng và nhà máy. Họ phụ trách việc duy trì hoạt động của những hệ thống máy điện toán tại cơ sở kinh doanh của họ, cập nhật hóa nhu liệu, bảo trì log, giữ cho máy khỏi bị virus phá hoại. Có thể khó mà tưởng tượng ra được rằng một loại công việc có chứa từ ngữ “máy vi tính” trong danh xưng lại cũng có thể gặp nguy cơ trở thành lỗi thời, nhưng trong thực tế chuyện này càng ngày càng có thể xảy ra. Giữa lúc những nhân viên điều hành máy vi tính bị mất việc, thì những người thiết kế và chế tạo nhu liệu đang trở thành những công việc có số lượng tăng nhanh tại Hoa Kỳ. Đây là những người chuyên phát triển những loại nhu liệu sẽ thay chỗ những người điều hành.

5. Nghề xuất bản desktop
Tỉ lệ giảm bớt tính cho tới năm 2018: -22,54 phần trăm
Số thợ hành nghề trong năm 2008: 26.400 người
Mức thu nhập trung bình hàng năm: 36.610 Mỹ kim
Có thể không có ngành kỹ nghệ nào cho thấy những dấu hiệu lớn hơn về chuyện sút giảm trong thập niên qua cho bằng ngành kỹ nghệ xuất bản. Những nhà xuất bản desktop chịu trách nhiệm chuẩn bị vật liệu cho việc in ấn. Trong khi có một số người làm việc cho những công ty không nằm trong ngành kỹ nghệ xuất bản, thì phần đông làm việc cho các nhật báo và tạp chí hoặc những nhà xuất bản. Ngoài ra, có tin tức cho biết rằng những nhà xuất bản desktop cũng đang mất đi việc làm trong những ngành kỹ nghệ khác, vì có thêm nhiều nhân viên phổ thông đang được huấn luyện bằng những dụng cụ căn bản, để khi cần thì họ tự làm lấy công việc xuất bản của mình.

4. Những người điều hành và trông coi máy khoan
Tỉ lệ giảm bớt tính cho tới năm 2018: -26,87 phần trăm
Số thợ hành nghề trong năm 2008: 33.000 người
Mức thu nhập trung bình hàng năm: 33.130 Mỹ kim
Hàng triệu việc làm trong các nhà máy đã bị mất đi hoặc dời ra ngoại quốc trong mấy chục năm qua, như là hậu quả của những cuộc cải tiến về kỹ thuật. Không có một loại công việc nào sẽ sút giảm nhiều hơn trong thập niên sắp tới cho bằng công việc làm với những loại máy khoan. Những người điều hành những thứ máy này thường đứng cả ngày nơi dây chuyền sản xuất, trông coi tiến trình hoạt động của máy, và bảo đảm rằng máy móc không bị trục trặc hư hỏng.

3. Những người phân loại và điều thành máy móc xử liệu bưu điện
Tỉ lệ giảm bớt tính cho tới năm 2018: -30,32 phần trăm
Số thợ hành nghề trong năm 2008: 179.900 người
Mức thu nhập trung bình hàng năm: 53.080 Mỹ kim
Có thể nói rằng Internet đã tác hại đến ngành dịch vụ bưu điện nhiều hơn so với những ngành kinh doanh khác. Mức sút giảm đáng kể trong khối lượng bưu phẩm được chuyển giao đã làm mất đi hàng ngàn công việc giao thư từ, và làm cho nhiều bưu điện phải đóng cửa trên khắp nước Mỹ. Hiện nay những công việc phân loại thư từ sắp sửa biến mất, vì một hệ thống tự động mới đang được thiết lập. Từ năm 2008 đến năm 2018, có hơn 57.500 công việc, tức khoảng 30 phần trăm trong số những chỗ làm hiện này, sẽ biến mất.

2. Những người làm trong kỹ nghệ bán dẫn

Tỉ lệ giảm bớt tính cho tới năm 2018: -31,53 phần trăm
Số thợ hành nghề trong năm 2008: 31.600 người
Mức thu nhập trung bình hàng năm: 33.130 Mỹ kim
Một điều gây ngạc nhiên là ngành kỹ nghệ bán dẫn tương đối còn non trẻ lại sắp sửa cắt giảm nhiều trong lực lượng nhân công của mình. Đến năm 2018, có khoảng 10.000 người, tức 31,53 phần trăm trong tổng số nhân công ngành này sẽ bị mất việc. Những bước cải tiến trong kỹ thuật đã làm cho những con chip càng ngày càng cực nhỏ, mắt trần nhìn vào không thể nào thấy được.

1. Những người điều hành và trông coi máy tẩy trắng và máy nhuộm
Tỉ lệ giảm bớt tính cho tới năm 2018: -44,83 phần trăm
Số thợ hành nghề trong năm 2008: 16.000 người
Mức thu nhập trung bình hàng năm: 22.970 Mỹ kim
Ngành kỹ nghệ dệt sẽ mất đi hơn 100.000 việc làm, từ năm 2008 cho đến năm 2018, một phần là vì các hãng dệt chế tạo đang dời việc sản xuất sang các nước khác có lao động rẻ, và một phần cũng vì những công việc trong ngành này đang bị thay thế ngay tại Hoa Kỳ. Những việc làm mà Nha Lao Động dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất là những công việc trông coi và điều khiển những loại máy dệt và tẩy trắng vải. Có hơn 7.000 chỗ làm, tức 4,8 phần trăm trong toàn bộ lực lượng nhân công, sẽ không tồn tại nữa từ đây cho đến tám năm sắp tới.

Nguồn: http://www.viendongdaily.com/9-nghe-dang-giay-chet-vi-ky-thuat-rbjYOxyg.html


source
VienDongDaily

Monday 14 November 2011

Thời hạn của các sản phẩm chăm sóc da



(VienDongDaily.Com - 11/10/2011)
Chào chị Thanh Hằng, Xin chị cho em biết khi nào thì phải bỏ đi những sản phẩm dùng để chăm sóc da.
Thanh Hằng - Ảnh: Thái Đắc Nhã

Chào các bạn, kỳ này Thanh Hằng xin chọn thêm một câu hỏi để trả lời. Câu hỏi này liên quan đến thời hạn của các sản phẩm chăm sóc da.


Hỏi:
Chào chị Thanh Hằng, Xin chị cho em biết khi nào thì phải bỏ đi những sản phẩm dùng để chăm sóc da. Em thường hay mua tùm lum, nghe bạn bè giới thiệu hoặc thấy quảng cáo về những sản phẩm chăm sóc làn da là em mua về mà có khi chỉ dùng thử vài lần rồi để đó. Hôm nay em dành thì giờ để chọn lọc lại cái nào còn dùng được và cái nào nên bỏ dù là còn như mới. Cám ơn chị rất nhiều. Chúc chị luôn luôn thành công trên mọi lãnh vực.

Đáp: Cám ơn bạn đã gởi câu hỏi này đến tòa soạn cho mục Sắc Đẹp Phụ Nữ do Thanh Hằng phụ trách.
Thường các bạn để ý khi chúng ta mua những sản phẩm liên quan đến việc chăm sóc làn da, hầu hết những sản phẩm này đều để ngày hết hạn (expiration date). Để trả lời cho câu hỏi của bạn, Thanh Hằng đã sưu tầm và sau đây là những guideline mà bạn cũng có thể áp dụng để biết sản phẩm nào còn giữ được và sản phẩm nào nên bỏ đi.

* Hydroquinone Creams (Kem chống nám)
Theo ngày hết hạn đã đề ra hoặc khi kem trở thành màu nâu. Nếu bạn chọn sản phẩm được chứa đựng trong chai lọ có nắp đóng chặt và không khí không vào được hoặc bạn cất những sản phẩm này vào tủ lạnh thì bạn có thể kéo dài thời hạn lâu hơn một vài tháng.

* Moisturizing Creams (Kem dưỡng da)
Kem dưỡng da thường khoảng một năm. Những loại kem dưỡng da không có chất chống nhăn (anti-aging ingredients) sẽ giữ được lâu hơn nữa. Và tốt nhất nên rửa tay sạch trước khi nhúng tay vào lọ kem.


* Sunscreens (Kem chống nắng)

Khoảng một hoặc hai năm tùy vào từng hãng sản xuất và ngày hết hạn đề trên sản phẩm đó. Tránh để kem chống trong xe nóng và khi đi biển sau khi bôi kem cũng nên cất trong chỗ mát, lạnh như cooler.

* Masks, Peels (Mặt nạ)
Khoảng ba tháng hoặc theo ngày hết hạn đề trên sản phẩm đó.

* Acne Products (Kem trị mụn)
Bỏ đi sau bốn hoặc sáu tháng hoặc theo ngày hết hạn đề trên sản phẩm đó. Benzoyl peroxide và salicylic acid chống mụn rất hữu hiệu nhưng lại bị phân rã (decay) nhanh. Bạn nên cất những sản phẩm này trong tủ lạnh để được hiệu lực lâu hơn.

* Retinoid Creams (Kem chống nhăn)
Bỏ đi sau chín hoặc mười một tháng hoặc theo ngày hết hạn đề trên hộp của sản phẩm đó.

* Swipe-On Pads (Glycolic Peels, Acne Treatments) (Bông gòn thấm thuốc trị mụn)
Nên bỏ đi sau hai tháng hoặc khi bắt đầu khô. Nếu bông gòn, pad được đựng riêng trong từng bọc riêng thì có thể giữ thêm lâu hơn.

* Grainy Scrubs (Kem rửa tẩy da khô chết)
Bỏ đi sau hai năm hoặc theo ngày hết hạn đề trên hộp sản phẩm đó. Nên đậy nắp lại liền sau khi mở để tránh sự phát triển của vi khuẩn.

Xin hẹn các bạn lại kỳ sau. Chúc các bạn luôn luôn là những người phụ nữ đẹp.
Người mẫu Thanh Hằng, chuyên gia về trang điểm, phụ trách mục “Sắc Đẹp Phụ Nữ” vào Thứ Tư hàng tuần. Quý độc giả muốn đặt câu hỏi trực tiếp đến người mẫu Thanh Hằng về phương cách làm đẹp, xin gửi thư về Tòa soạn Viễn Đông, 14891 Moran Street, Westminster, California 92683 (ngoài bì thư ghi “Sắc Đẹp Phụ Nữ”). Thanh Hằng sẽ chọn một số câu hỏi để giúp hướng dẫn quý vị đến với nghệ thuật trang điểm. Quý độc giả có thể viếng trang nhà của Thái Đắc Nhã - Thanh Hằng: www.thaidacnhaphoto.com hoặc gọi 714-265-2878
source
VienDongDaily

Bánh kẹp lá dứa



(VienDongDaily.Com - 13/11/2011)
Bánh kẹp nơi đây “mượn đỡ” chiếc khuôn “Waffle Maker” chạy bằng điện, nướng bánh tự động.
Mỗi lần ghé chợ hay đi ngang qua một cửa tiệm mà có bán bánh kẹp lá dứa nóng hổi, ai cũng sẽ phải dừng lại xem loại bánh gì mà có mùi thơm thế! Đó là mùi của lá dứa, nước dừa, vani, đường, bột, trứng đem nướng lên, thơm lừng từ đầu đường đến cuối phố! Khó ai có thể cầm lòng nếu không mua ngay một chiếc bánh vừa nướng xong để thưởng thức.... Cầm chiếc bánh thơm ngát, ấm áp trong tay, bên ngoài màu vàng nhạt, bên trong xanh nhẹ màu lá dứa thật đẹp... cứ tưởng như mình đang ở Việt Nam, có bà cụ già ngồi bán bánh kẹp đầu ngõ!
Thông thường, cách làm bánh kẹp bên Việt Nam là nướng bằng khuôn gang đặt trên lò than nóng. Bánh kẹp nơi đây “mượn đỡ” chiếc khuôn “Waffle Maker” chạy bằng điện, nướng bánh tự động. Loại khuôn có hai miếng gập vào nhau này, hầu hết các gia đình người Mỹ đều có sẵn để làm bánh waffle ăn sáng. Bình thường giá bán chiếc khuôn waffle maker không đắt (dưới 50 Mỹ kim), nhưng sắp tới ngày Black Friday sẽ có nhiều tiệm “đại hạ giá” cho những ai muốn mua với giá thật rẻ.
Những ngày cuối năm trời lạnh, không gì bằng cả gia đình quây quần bên nhau làm chung một món bánh. Đổ bánh kẹp rất dễ nên còn được gọi là món bánh “làm chơi, ăn thật”. Hãy để cho mẹ quậy bột, con đổ vào khuôn, waffle maker tự động nướng, vài phút sau lấy bánh nóng hổi ra ăn, cuối cùng bố sẽ là người dọn dẹp và rửa chén. Làm như vậy các em nhỏ sẽ vui thích lắm.
Về phần bột, dễ nhất là mua hộp “Waffle Mix” bán sẵn rồi cho thêm nước cốt dừa cùng Pandan màu xanh lá dứa. Cách làm này ăn cũng tạm được, nhưng có vị nồng của baking soda, nhiều người không thích. Phương-Dung thường tự pha bột lấy, cũng đơn giản, chiếc bánh ăn rất nhẹ và giòn. Bột pha theo cách này không cần nướng hết ngay, phần dư có thể cất vào tủ lạnh hôm sau nướng tiếp. Xin mời các bạn mua đúng vật liệu để làm bánh kẹp lá dứa trong những ngày nghỉ lễ sắp đến.

Vật liệu gồm có:


- 2 cup bột Enriched bleached flour
- 1 gói bột nổi hiệu Alsa (.38 oz)
- ¾ cup nước
- 2 trứng gà size Large
- ½ cup đường trắng
- 1 cup bột dừa (Coconut cream powder)
- 1 muỗng cà phê Pandan, màu xanh lá dứa
- ¼ muỗng cà phê muối
- 2 muỗng canh dầu ăn (vegetable oil)
- 1 chút bột vani
- 1 cái Waffle Maker bằng điện
- dầu ăn dể thoa khuôn bánh

Cách làm:
- Đập 2 trứng gà vào thau. Dùng máy đánh cho trứng hơi nổi lên một chút thì cho vani vào (không đánh nổi như bánh bông lan).


- Dùng một cái tô để trộn đều ¾ cup nước + ½ cup đường trắng + 1 cup bột dừa + ¼ muỗng cà phê muối + 1 muỗng cà phê Pandan (màu xanh lá dứa) – Cho vào microwave vài phút cho bột dừa mau tan ra.
-Trộn đều 2 cup bột Enriched bleach flour và 1 gói bột nổi hiệu Alsa với nhau vào tô khác (nhớ là bột Enriched bleached flour bán trong hộp chứ không phải những loại bột mì thường dùng như all-purpose hay self-rising).


- Đổ hỗn hợp nước, đường, dừa... vừa trộn xong (phía trên) vào thau trứng, quậy đều.


- Đổ tất cả hỗn hợp lỏng trên vào tô bột khô - quậy bột cho đều xong mới cho 2 muỗng canh dầu ăn vào sau cùng. Tiếp tục quậy cho tới khi bột thật mịn và đặc lại – Để bột nghỉ chừng nửa tiếng.


- Xịt đều dầu ăn vào bên trong khuôn waffle maker – Lót khay sắt hay trải giấy bạc dưới đáy khuôn để phòng khi đang nướng bánh bột trào ra ngoài. Cắm điện cho khuôn nóng.



- Đổ bột thật nhanh tay vào khuôn khi đã nóng đủ. Lượng bột đổ vào tùy theo khuôn lớn hay nhỏ (khoảng ¾ cup cho 1 lần nướng) - Trải bột cho đều mặt khuôn để hình dáng bánh đều và đẹp - Đậy nắp lại là bắt đầu nướng.


- Khi đang nướng sẽ thấy bánh phun hơi ra rất nhiều và mùi thơm bay khắp nhà - Nướng cho tới khi khuôn waffle maker tự động tắt mới được mở ra xem, thường lúc này bánh đã chín - Nếu chưa vàng thì có thể nướng thêm chút nữa.


- Bánh kẹp lá dứa khi vừa lấy ra khỏi khuôn thì hơi mềm, nhưng chỉ vài phút sau sẽ cứng lại rất nhanh. Bánh thường phải ăn ngay sau khi nướng xong mới thấy vị thơm ngon, giòn mềm. Ăn bánh kẹp rất bình dân, chỉ cầm bằng tay và không cần đến dao nĩa.


- Sau 1 tiếng nếu bánh mềm, cần bỏ vào toaster nướng lại - Với công thức này sẽ làm được 8 cái bánh kẹp lá dứa thật đầy đặn, hình chữ nhật size 3¼ x4. Bánh còn dư, cất vào tủ lạnh, khi ăn nướng lại trong toaster như nướng bánh mì sandwich.


Chúc các bạn làm được những chiếc bánh thật thơm ngon và đẹp.

Ảnh: Vũ Phương-Dung/Viễn Đông

Nguồn: http://www.viendongdaily.com/banh-kep-la-dua-j8iTeYYS.html
Vũ Phương-Dung/Viễn Đông
source
VienDongDaily

Friday 11 November 2011

Phương Tây nhìn người Châu Á thế nào?


Phương Tây nhìn người Châu Á thế nào?

Cập nhật: 12:34 GMT - thứ sáu, 11 tháng 11, 2011

London

Nhiều nước Phương Tây đã quen với xã hội đa văn hóa

Trong bài Bấm tiểu luận trước, tôi đã đề cập đến những vấn đề, góc nhìn và sự phát triển gần đây mà người Việt cần biết trước khi họ mạo hiểm sang Phương Tây.

Tuy nhiên, tôi đã sao nhãng một câu hỏi rất quan trọng: “Nói chung, người Tây nhìn và đối xử với người Việt và người Châu Á như thế nào?”

Tin mừng là người Tây nói chung nhìn người Châu Á cũng giống như mọi người khác. Vì đạo đức tự do được phổ biến và cá nhân được đề cao, nhiều nước Phương Tây tin tưởng rằng mọi người nên được đối đãi bình đẳng và công bằng. Có pháp luật ở mỗi nước khuyến khích và bảo vệ lý tưởng này, tức là trong việc làm và cả trong đời sống công cộng, không phân biệt nam hay nữ, gia đình, giới tính, tôn giáo, dân tộc hoặc là chủng tộc. Quan trọng nữa là những đạo luật này phản ánh sự cởi mở và quyết tâm có công bằng xã hội mà đã giúp cho phương Tây thành công và đáng được đến thăm hay định cư.

Nhưng dĩ nhiên, xã hội phương Tây, như bất cứ xã hội nào, không phải lúc nào cũng sống đúng theo lý tưởng của mình. Mặc dù những vụ phân biệt chính thức hay quá khích ít xảy ra, nhưng sự phân biệt thực sự vẫn còn. Theo kinh nghiệm của tôi sau khi ở Úc hơn 30 năm, rất hiếm khi xảy ra các vụ tấn công bạo lực do kỳ thị chủng tộc. Vì vậy, mỗi người đi nước ngoài, dù phải lo về an toàn cá nhân, nhưng không phải vì thế mà ngần ngại làm chuyến “Tây du ký”.

Tệ phân biệt mà người Châu Á nên chú ý hơn là sự phân biệt “tinh tế hơn”, hiện hữu trong những cửa hàng và quán ăn nơi mà người bán hàng và hầu bàn có vẻ đối xứ với mình cộc lốc và uể oải hơn những khách không phải là người Châu Á. Đôi khi chúng ta bị bắt gặp đang nói chuyện to bằng tiếng Việt và người qua đường nhìn chúng ta với thái độ khinh miệt. Và chúng ta có thể nhận ra khi người khác cười khẩy vì những điều bình thường đại loại như râu tóc, ngón tay nhỏ dài, một món ăn không quen hay cách ta đậu xe hơi.

Hình mẫu rập khuôn

"Người Châu Á ở các nước phương Tây nhiều khi bị coi như hoàn toàn khác biệt với người Tây và đồng thời hoàn toàn đồng nhất đối với tất cả người Châu Á khác. Tóc “ta” luôn luôn đen và thẳng, mắt luôn luôn nghiêng, làm việc luôn luôn vất vả, học toán luôn luôn giỏi và luôn luôn có hiếu. Đương nhiên, ấn tượng bất di bất dịch này không phải là vấn đề xấu thực chất; vấn đề ở đây là vấn đề rập khuôn."

Ở nhiều nước phương Tây người Châu Á được xem như di dân thành công và hòa nhập tốt với cộng đồng mới. Vì vậy, sự phân biệt không phải là thách thức hay bất công to lớn nhất. Thay vào đó, nhà trí thức Úc, Waleed Aly, đã nói rất đúng khi miêu tả rằng ở Úc (và có lẽ ở nhiều nước khác), “có mức độ cao của sự phân biệt chủng tộc mức thấp”. Có nghĩa là người Châu Á bị ép buộc một cách vô hình sống theo sự mong chờ của người phương Tây và bị phê bình hay nhạo báng khi họ không tuân theo.

Người Châu Á ở các nước phương Tây nhiều khi bị coi như hoàn toàn khác biệt với người Tây và đồng thời hoàn toàn đồng nhất đối với tất cả người Châu Á khác. Tóc “ta” luôn luôn đen và thẳng, mắt luôn luôn nghiêng, làm việc luôn luôn vất vả, học toán luôn luôn giỏi và luôn luôn có hiếu. Đương nhiên, ấn tượng bất di bất dịch này không phải là vấn đề xấu thực chất; vấn đề ở đây là vấn đề rập khuôn.

Như tôi sẽ giải thích dưới đây: chúng ta nên chống lại mẫu rập khuôn này vì chúng ngăn trở sự quan hệ cá nhân và công việc chuyên nghiệp của người Châu Á ở nước ngoài và đôi khi cả ở trong nước. Hơn nữa, chúng ta nên phản đối sự phân biệt này không phải là vì sự tiến bộ trong đời sống của “người Ta” thôi, mà còn để nâng cao nền đức hạnh và văn minh của Phương Tây nữa. Như ông Martin Luther King đã dạy, “sự bất công ở bất kỳ nơi nào cũng là sự đe dọa bất công khắp mọi nơi”.

Quan hệ tình yêu

Có nhiều điều đáng kính trọng về mối quan hệ giữa người châu Á và người phương Tây. Quan hệ này có thể là cầu nối ở giữa hai xã hội khác nhau.

Cơ bản là, và chắc chắn là việc này không làm ai ngạc nhiên, phụ nữ Châu Á hấp dẫn với nam giới Tây hơn nam giới Châu Á hấp dẫn với phụ nữ Tây. Theo số liệu điều tra dân số ở Mỹ, khả năng phụ nữ Mỹ gốc Châu Á kết hôn với người ngoài chủng tộc cao gấp đôi nam giới Mỹ gốc Châu Á lấy vợ ngoài chủng tộc.

Một lý do giải thích sự chênh lệch này là hình tượng của phụ nữ Châu Á ở phương Tây là thanh lịch, quyến rũ và đẹp kỳ lạ. Một bằng chứng hiển nhiên là trong những phim nổi tiếng như Rambo: First Blood Part II, Good Morning Vietnam, Đông DươngNgười Mỹ Thầm Lặng (cả hai bản làm 1958 và 2002), các diễn viên nữ Việt Nam chính trong phim này rất xinh, nhưng cũng thần bí và có nhiều trắc trở trong đời sống.

Các học giả về giới và Châu Á học khẳng định rằng việc Tây Phương ham thích phụ nữ Châu Á gắn liền với cái nhìn cho rằng họ mềm mỏng và dễ phục tùng. Vì vậy, việc đàn ông Tây theo đuổi đàn bà Châu Á gắn với mộng tưởng cứu giúp, thuần hoá và truyền bá văn minh cho xã hội Châu Á. Ngoài ra, mẫu đàn bà hiền lành và nghiêm trang dễ thu hút những đàn ông Tây có quan niệm truyền thống – họ ngờ vực ảnh hưởng của chủ nghĩa nữ quyền lên sắc đẹp và vai trò về giới.

Cần nói rõ là tôi không có ý cho rằng mọi đàn ông Tây quan hệ với phụ nữ Châu Á đều có mộng tưởng thuộc địa hoặc luyến tiếc quá khứ. Tôi chỉ muốn nói là hai sự thôi thúc này đã đóng góp đưa tới hình tượng thống trị của phụ nữ Châu Á ở Phương Tây và có thể giúp giải thích tại sao quan hệ giữa “nữ Ta” và “nam Tây” phổ biến hơn quan hệ giữa “nữ Tây” và “nam Ta”.

Hình tượng phụ nữ Việt Nam gắn liền với chiếc áo dài

Đàn ông Á Châu tương đối không hấp dẫn ở phương Tây nói chung vì bị xem là quá yểu điệu về cơ thể và quá gia trưởng về xã hội. Trong văn hóa phương Tây, tính điển hình của đàn ông Châu Á là đầy sát khí và thủ đoạn (nổi tiếng nhất là Hoàng Đế Nhà Minh tàn ác trong Flash Gordon). Những đàn ông Châu Á đáng yêu thường là hơi lập dị và tức cười (Jackie Chan, Pat Morita hay John Cho). Trong cả hai trường hợp (kẻ hung ác và bạn tri kỷ), nhân vật Châu Á không bao giờ bằng được anh hùng Phương Tây rắn chắc và tự tin, và ít khi giành được người đẹp.

Trong khi đàn bà Châu Á có thể đáp ứng quan niệm truyền thống của Tây Phương về phụ nữ, đàn ông Châu Á trở nên kém hấp dẫn hơn khi được so với quan niệm truyền thống ở Tây Phương về nam giới. Người đàn ông Phương Tây lý tưởng là vạm vỡ và quả quyết, còn người đàn ông Châu Á lý tưởng là khéo léo và kín đáo.

Quan niệm của Phương Tây về đàn ông Châu Á có thể thay đổi trong tương lai, nhất là nếu thế kỷ này tiến triển thành “Thế kỷ của Châu Á”. Tuy thế, cũng giống như không có môn thể thao hay trò chơi nào lại cao cấp hơn môn thể thao hay trò chơi khác, có lẽ nam giới Châu Á thực ra không khá hơn hay kém hơn đàn ông phương Tây, tối thiểu là về mỹ học? Có lý do nào trong thế kỷ 21 để ta tin rằng to lớn hơn thì luôn luôn tốt hơn?

Như vậy, quan trọng hơn là ta đối đầu với định kiến rằng đàn ông Châu Á không hấp dẫn vì nó không sáng tỏ và có tính chất sô vanh. Chúng ta cũng nên nghi ngờ tư tưởng Nho giáo đặt đàn ông vào vị trí cao nhất trong gia đình và cộng đồng. Những hệ thống cấp bậc gia trưởng đã lỗi thời và bất công, không chỉ làm phụ nữ Tây phát chán, mà phụ nữ Châu Á cũng thấy thế khi họ “đoạn tuyệt” với những truyền thống và đạo đức đã bắt họ ở nhà và sống dưới quyền hành của đàn ông.

Trong Tạp chí Châu Á và Hoa Kỳ Học nhà nghiên cứu Kumiko Nemoto đã phỏng vấn vài chục phụ nữ Hoa Kỳ gốc Châu Á, những người đã từng hẹn hò hay lấy chồng da trắng. Tất cả những phụ nữ này thể hiện sự buồn giận với đàn ông Châu Á vì họ nhìn thấy sự lạc hậu, thiếu thông cảm và hờ hững. Theo một người được phỏng vấn, đàn ông Châu Á, “không phải là người hào hoa phong nhã…Họ không trìu mến…Tôi nghĩ cá tính của tôi không phù hợp với nhiều đàn ông Châu Á vì tôi quá tự lập.…tôi có tinh thần hướng ngoại quá cao.”

Tôi đã từng nghe những người phụ nữ Việt Nam ở những độ tuổi khác nhau và ở những nơi khác nhau thể hiện sự buồn giận tương tự về đàn ông Việt. Mới đây, khi tôi ráng “làm mối” một người bạn nam cho một người nữ, tôi nhấn mạnh anh này chu đáo và hiện đại, anh ấy trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn nên biết lo cho mình và chăm sóc cho người khác, anh ấy nấu ăn ngon lành và lau nhà sạch sẽ.

"Các học giả về giới và Châu Á học khẳng định rằng việc Tây Phương ham thích phụ nữ Châu Á gắn liền với cái nhìn cho rằng họ mềm mỏng và dễ phục tùng. Vì vậy, việc đàn ông Tây theo đuổi đàn bà Châu Á gắn với mộng tưởng cứu giúp, thuần hoá và truyền bá văn minh cho xã hội Châu Á. Ngoài ra, mẫu đàn bà hiền lành và nghiêm trang dễ thu hút những đàn ông Tây có quan niệm truyền thống – họ ngờ vực ảnh hưởng của chủ nghĩa nữ quyền lên sắc đẹp và vai trò về giới."

Chị ấy trả lời, “Tất cả điều đó sẽ thay đổi khi anh ấy có vợ.” Câu này làm cho tôi phải cân nhắc rằng đàn ông Châu Á nên suy nghĩ lại thái độ của mình đối với tình bạn và tình yêu, công việc trong nhà và công việc nuôi con nếu muốn tránh cảnh cô đơn suốt đời.

Cái trần bằng tre

Tác giả Mỹ gốc Hàn Quốc, Wesley Yang, mới viết bài tranh luận trong New York Magazine khẳng định nhiều phòng làm việc ở Mỹ đã xuất hiện cái “trần bằng tre” có khả năng trấn áp một cách kín đáo người Châu Á không cho họ vươn lên. Ông Yang xác nhận trong những nghề làm ăn qua nhiều thập kỷ, người gốc Châu Á đã chiếm ưu thế như kinh doanh, luật, y khoa và công nghệ thông tin. Nhưng hiện nay có rất ít người Châu Á giành được vị trí quản lý và giám đốc.

Ông Yang tố cáo cái “thành kiến vô thức” này, nhưng lại phê bình nặng nề hơn những người Châu Á làm cho thành kiến kéo dài. Đặc biệt, sự bất tài của người Đông Á trong thể hiện tình cảm, sáng kiến và ý chí của họ, có nghĩa là có định kiến nhìn người Châu Á như người máy hơn là con người.

Nói cách khác, người Châu Á ở Phương Tây được đánh giá như xe máy Honda chắc chắn và bền, nhưng còn thiếu điểm đặc trưng hiện đại và mốt của xe máy Vespa và thua xa xe hơi BMW mạnh mẽ và sang trọng. Nghĩa là ở phương Tây nhân viên Châu Á được đánh giá xuất sắc, miễn là họ cúi đầu làm việc chăm chỉ và không đòi hỏi nhiều quá.

Tôi cũng thích sự hăng hái của ông Yang, nhưng tự hỏi liệu có phải ông Yang chống đối đạo đức Châu Á chỉ để phục tùng lý tưởng Mỹ về công việc và sự lãnh đạo. Hình như ông Yang đang kêu inh ỏi, “Chúng ta người Châu Á cũng trở thành phương Tây được!”

Điều này đưa ra một câu hỏi, “Người Châu Á có thể đạt được thành công và đóng góp cho phương Tây trong lúc còn trung thành với Châu Á không?” Tôi hy vọng câu trả lời là “Có thể”.

Châu Á hơn nữa

Việc thứ nhất mà người Châu Á trẻ nên suy xét là học thêm về cội nguồn của chính mình. Người Châu Á muốn di chuyển đến phương Tây nên nắm lịch sử, văn hóa, mâu thuẫn, thách thức và sắc thái xã hội gốc của chính mình. Không có kiến thức này, thì không bao giờ thay đổi định kiến về Châu Á ở Phương Tây được.

Đối với nhiều du học sinh Châu Á, việc thông thạo kiến thức xã hội, thời sự và di sản văn hóa của mình có nhiều lợi ích cho việc học tập. Nhiều khi, tôi chứng kiến sinh viên Châu Á ở Úc không thành công trong bài tiểu luận và công trình nghiên cứu hoặc không tham gia vào thảo luận trong lớp, không phải là vì kém tiếng Anh, mà vì thiếu những ví dụ, vấn đề và ý tưởng được rút ra từ kinh nghiệm của đất nước mình.

Tôi thường nghe nói những loại suy nghĩ và học hành kiểu Châu Á (cụ thể ở Việt Nam) là quá bị động, nên phải cải tạo cho năng động và sáng tạo hơn. Có thể ý kiến này đúng, tuy nhiên có mâu thuẫn trong việc đấu tranh để cho năng động và sáng tạo hơn nhưng rốt cuộc chỉ thành ra “như phương Tây thôi”.

Cuốn sách gây tranh cãi và bán chạy như tôm tươi của bà Amy Chua, Khúc chiến ca của Hổ mẹ, thăm dò những sự khác biệt rõ ràng trong phương pháp nuôi con của người Trung Quốc và người Tây. Bà Chua mô tả những chuyện kinh khiếp và hài hước khi nuôi hai đứa con gái: bắt chúng thi điểm cao nhất, từ chối niềm vui phù phiếm và bắt buộc học bài và tập chơi nhạc vài tiếng mỗi ngày.

"Người thanh niên Việt Nam chuyển đến phương Tây không cần sợ bị ô nhiễm văn hóa xa lạ làm cho mình mất thiêng. Chúng ta tồn tại ở giữa phương Đông, phương Tây và những nơi khác, và đồng thời vẫn là người Việt đầy kiêu hãnh."

Bà Chua nói học gạo “bị đánh giá thấp ở Hoa Kỳ”, trong khi bà cho rằng học gạo giúp làm tăng tiến trí óc, dũng cảm chịu đựng và cho ta cảm giác mình đạt thành tích nhờ gắng sức. Sau khi con mình trở nên xuất sắc – trong trường học, khi chơi piano, bơi lội – con mình sẽ thấy hoạt động ấy vui hơn và giá trị hơn (ý niệm này cũng được thể hiện rõ trong loạt phim TheKarate KidKung Fu Panda). Bà mẹ hổ cho rằng: hổ con kiên tâm chứ không yếu đuối, bà mẹ luôn chuẩn bị chúng cho tương lai và chứng minh tình yêu của mẹ hổ qua hy sinh lớn lao.

Khi làm việc với vài trăm sinh viên Tây mỗi năm, tôi thấy là họ cũng nên mang tính Châu Á hơn một chút. Nhiều khi họ bỏ quên hai bổn phận chính của sinh viên: im lặng và nghe lời. Sinh viên Tây thường nghĩ họ có lợi khi tweet, blog, SMS, hơn là cần phải học từ thầy cô giáo hoặc trong sách vở. Đôi khi vì họ rất bận “multi-tasking” (làm nhiều công việc trong một lúc), họ không thu được kết quả gì. Đương nhiên, hiện nay nhiều sinh viên Châu Á cũng thiếu tập trung và thiếu sự rèn luyện trí óc; những người này cũng nên mang tính Châu Á hơn.

Để hiểu người Tây thấy người Ta như thế nào, bạn nên biết là mỗi bên không phải là hoàn hảo và mỗi bên đều có những điểm và tính cách có thể giúp bên kia. Dĩ nhiên người Việt đã biết điều này từ lâu. Trong lịch sử lâu dài, người Việt nhiều lần phải vay mượn, thích nghi, và pha trộn ảnh hưởng từ nước ngoài, những ảnh hưởng mà sau một thời gian người Việt xem chúng là “của mình”.

“Không có văn hóa tinh khiết,” là lời nhắc của nhà nghiên cứu Hữu Ngọc. “Tất cả là sự pha trộn.” Quan niệm này được chứng minh trong thần thoại nguồn gốc dân tộc (“con Rồng cháu Tiên”), ngôn ngữ (quốc ngữ), tôn giáo (tam giáo), thời trang (áo dài) và thức ăn (phở). Vì vậy, nếu quá khứ là hướng dẫn cho hiện tại, thì người thanh niên Việt Nam chuyển đến phương Tây không cần sợ bị ô nhiễm văn hóa xa lạ làm cho mình mất thiêng. Chúng ta tồn tại ở giữa phương Đông, phương Tây và những nơi khác, và đồng thời vẫn là người Việt đầy kiêu hãnh.

Tiến sĩ Kim Huỳnh là giảng viên tại Đại Học Quốc Gia Úc, đã đăng tiểu sử về gia đình mình trong cuốn Where the Sea Takes Us: A Vietnamese-Australian Story (HarperCollins 2008) và là một trong hai chủ bút của cuốn sách The Culture Wars: Australian and American Politics in the 21st Century (Palgrave MacMillan 2009). Bản gốc tiếng Việt được bà Hà Thị Thu Hương từ Trung tâm Integrated Culture and Language Studies (ICLS) chỉnh sửa đôi chút và BBC biên tập lại.

source
BBC Vietnamese