Sunday 20 June 2010

Những gia đình tràn đầy hạnh phúc



Cập nhật lúc 3:54:30 AM - 20/06/2010

Tran-kim-Quy.jpg


Ông Trần Kim Quý, một người cha hạnh phúc - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông.


Thanh Phong/Viễn Đông


LITTLE SAIGON - Hoa Kỳ có hai ngày lễ dành cho bậc sinh thành: Ngày Hiền Mẫu và Ngày Hiền Phụ vào tháng 5 và tháng 6 hàng năm. Hai ngày lễ này nhằm nhắc nhở con cái về bổn phận và trách nhiệm đối với các bậc sinh thành, nhưng đồng thời cũng là ngày mang lại niềm vui cho các bà mẹ hoặc các ông bố và ngược lại. Sung sướng biết bao cho những gia đình được sống trong hạnh phúc và bình an. Trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, không thiếu những gia đình may mắn đó.


Gia đình ông bà Trần Kim Quý ở Santa Ana


Ông bà Quý có hai người con, một gái, một trai. Người con gái là Trần Nguyễn Tú Trinh, một nữ Hướng Đạo thuộc Liên Đoàn Chi Lăng, Trưởng ngành Ấu, đã đạt được đẳng cấp cao quý nhất của Nữ Hướng Đạo. Mặc dù còn đang học tại OCC, Tú Trinh đã làm việc cho binh chủng Không Quân. Tú Trinh luôn luôn có mặt bên cạnh cha, mỗi khi có những buổi sinh hoạt phụ huynh học sinh của trường La Quinta, và Tú Trinh hay chia sẻ những cảm nghiệm của em với phụ huynh.

Người con thứ hai của ông bà Trần Kim Quý là Trần Nguyễn Triết, hiện phục vụ trong binh chủng Hải Quân Hoa Kỳ và đang làm việc trên một chiến hạm.

Bản thân ông Trần Kim Quý là một cựu Hướng Đạo Sinh và nay ở trong Hội Phụ Huynh Hướng Đạo Liên Đoàn Chi Lăng. Ông bà tham gia vào Hội Trái Tim Bác Ái với Bác sĩ Thùy Anh, mục đích để giúp phụ huynh hiểu biết về quyền lợi của những trẻ em mắc bệnh tự kỷ, và tình nguyện làm những công tác bác ái xã hội, hầu giúp cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn lên.

Trả lời câu hỏi của Viễn Đông về bí quyết nào giúp gia đình ông có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc như hiện tại, ông Trần Kim Quý cho biết:

“Thứ nhất là do vấn đề giáo dục gia đình, việc này tôi cho là quan trọng nhất. Vợ chồng tôi đều có chung một quan điểm, trước tiên mình là cha mẹ phải làm gương cho con cái trước, nên chúng tôi hạn chế coi Tivi. Trong bữa ăn chỉ mở nhạc nhẹ và nói chuyện sinh hoạt gia đình, con cái có điều gì thắc mắc thì nêu lên, rồi chúng tôi chia sẻ với con. Mỗi ngày chúng tôi khuyên con cái chỉ xem truyền hình trong một thời gian nhất định. Đặc biệt, không để máy computer trong phòng riêng của hai đứa con, máy computer để ở phòng khách. Sở dĩ chúng tôi làm như vậy, vì như anh cũng biết, tác hại của computer ghê gớm lắm! Và chúng tôi cắt nghĩa cho các con nghe, hai con tôi đều vui vẻ chấp nhận. Chúng tôi thường xuyên trò chuyện với các con; và trong giờ học, chúng tôi là thầy, ở nhà chúng tôi là bố mẹ; nhưng ngoài giờ học, chúng tôi coi con như bạn, nhờ vậy các con luôn luôn chia sẻ với mình, cả những chuyện riêng tư, thầm kín. Tôi thường nói với các bạn tôi rằng: Từ khi con cái còn nhỏ đến lúc chúng trưởng thành, ngày nào mình còn đi chơi, còn nói chuyện thân mật với con, là ngày ấy hạnh phúc nhất đời”.

Về quan niệm giáo dục, anh Quý cho rằng, mình nên phối hợp giữa hai nền giáo dục Đông-Tây, nên cởi mở với con cái, nhưng cũng đừng quá lỏng lẻo thì con cái không thể nào hư hỏng được. Anh nói: “Gia đình chúng tôi rất may mắn, vì nhờ bà xã tôi và tôi luôn luôn tâm đầu ý hợp trong vấn đề giáo dục con cái, nên tuy chỉ có hai đứa con, chúng tôi luôn luôn tôn trọng ước nguyện của chúng, muốn theo ngành nghề gì tùy ý. Nhưng các cháu luôn luôn hỏi ý kiến chúng tôi, nhờ vậy mà cho đến bây giờ, chúng tôi cảm thấy rất mãn nguyện về con cái và gia đình luôn luôn đầm ấm, hạnh phúc”.


Gia đình ông bà Trần Đức Nhã ở Huntington Beach

Ông Nhã xuất thân từ khóa 14 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau ngày mãn khóa ông về trường tình báo Cây Mai. Sau biến cố 1975, ông phải đi tù (...) đúng 10 năm, trải qua các trại (...) Long Khánh, rồi ra Bắc cùng chuyến tàu với Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận (sau là Hồng Y), nhưng khi ra đến Sơn Thượng, thì Đức TGM Nguyễn Văn Thuận phải đi Tuyên Quang, còn ông đi Lào Cai, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, và cuối cùng về (...) Hàm Tân, trước khi được thả vào ngày 25-6-1985 và qua Hoa Kỳ theo danh sách HO. 20.

Sinh trưởng trong một gia đình đạo đức tại Phát Diệm, ông lập gia đình với một cô gái Hà Thành nhưng cũng gốc Phát Diệm, tên là cô Phan Kim Bình, nay là bà Trần Đức Nhã. Hai ông bà có 6 người con, 4 trai, 2 gái. Hai người con đầu đã có gia đình và cho ông bà 7 đứa cháu nội ngoại. Trong số các con, có hai người hiện là kỹ sư điện, một người con trai phục vụ trong Quân Lực Hoa Kỳ, một người con gái làm việc chăm sóc người tàn tật, và một người làm về nghề trang trí nội thất.


Tran-duc-Nha.jpg


Mỗi cuối tuần, con cháu đến quây quần bên ông bà Trần Đức Nhã - ảnh tài liệu gia đình.


Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Nhã cho biết: “Hiện giờ chúng tôi rất mãn nguyện với cuộc sống, vì con cái đã thành đạt, tuy không ở những địa vị cao, nhưng các cháu rất thương bố mẹ. Chúng tôi muốn gì được nấy. Trong những ngày lễ, đặc biệt ngày Hiền Mẫu hay ngày Hiền Phụ, các cháu mua vé đưa bố mẹ đi hết chỗ này tới chỗ kia chơi. Các cháu nói, bố mẹ lớn tuổi rồi, đi chơi với con cháu, mai mốt thêm vài tuổi nữa, biết có đi nổi không; và chúng mua vé máy bay cho chúng tôi đi Âu châu, đi Roma…. Trong nhà, chúng tôi chả phải sắm sửa gì, các cháu lo hết. Và đặc biệt anh chị em nó rất thương nhau, đùm bọc nhau, dâu cũng như rể, đều như anh em ruột thịt, không phân biệt”.

Bà Trần Đức Nhã nói, “Cứ cuối tuần, tất cả các cháu lại về quây quần bên vợ chồng tôi, rồi có khi có cả cô, dì các cháu cũng đến. Cuối tuần, tôi biết các cháu thích ăn món gì là tôi nấu, và thay đổi, tuần này món này thì tuần sau món khác”.

Bản thân ông Trần Đức Nhã, theo ông cho biết, sau khi qua Mỹ, ông được một gia đình bảo trợ về miền Bắc Cali, sau đó dời xuống Nam Cali và được một người bạn là ông Hoàng Quý (đã qua đời), giới thiệu với Đức Ông Nguyễn Đức Tiến, để ông làm quản trị Nguyệt san Hiệp Nhất và phụ trách kiếm quảng cáo để tờ báo sống còn. Nhờ sự tháo vát và tài ngoại giao khéo léo, ông đã làm cho tờ Hiệp Nhất từ lỗ lã đến có lời. Sau đó ông làm Tổng Thủ Quỹ Cộng Đồng; ông làm việc này khoảng 14, 15 năm qua; ba vị Chủ tịch Cộng đồng là Luật sư Phạm Văn Phổ, Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn và Bác sĩ Lê Duy Huân trong 9 năm. Đến tháng 8-2009 ông xin nghỉ hưu và hiện nay làm Hội trưởng Hội Bảo Trợ Nữ Tu Hưu Trí Việt Nam, lo cho các nữ tu già yếu về hưu, đang phải sống kham khổ.

Chúng tôi hỏi ông bà về quan điểm giáo dục con cái của ông bà như thế nào. Bà Trần Đức Nhã nói: “Đối với tôi, tôi luôn luôn cảm tạ Chúa, vì Chúa đã soi sáng cho chúng tôi biết cách giáo dục con cái. Chúa cho con cái chúng tôi biết nghe lời cha mẹ và sống theo lời Chúa dạy, vì thế mà gia đình lúc nào cũng cảm thấy yên vui”.

Ông Trần Đức Nhã nói: “Sống trong xã hội Mỹ này, mình nên học hỏi những điều hay của đất nước Hoa Kỳ để áp dụng vào cuộc sống gia đình”.

Chúng tôi xin ông đan cử một trong những điều mà ông cho là “hay” của xã hội Mỹ. Ông Nhã nói: “Ngày xưa theo quan niệm Việt Nam, cha mẹ luôn luôn áp đặt con cái, bắt con làm theo ý mình; thí dụ muốn con phải học trở thành bác sĩ, kỹ sư, trong khi ý con không muốn, nên mới xảy ra cái chuyện con bóp cổ mẹ chết mới đây, mà chính báo Viễn Đông cũng đã loan tin. Còn người Mỹ, họ tôn trọng ý muốn của con họ. Họ chiều theo ý con họ, vì họ biết, muốn theo đuổi ngành nghề gì, thì nó có thích nó học mới vào. Và người Mỹ họ không quan niệm nghề nào xấu, nghề nào bị coi thường, coi rẻ. Còn Việt Nam mình vẫn còn nhiều người có đầu óc cổ hủ, chỉ muốn con mình đỗ đạt cao để làm rạng danh dòng tộc. Chúng tôi theo Mỹ điểm này, con cái thích học ngành gì, chúng tôi OK; con trai nếu muốn đi lính giống bố ngày xưa tôi càng OK”.

Ông Nhã cũng nói, bố mẹ cần nêu gương sáng cho con cái, bố mẹ là tấm gương cho con nó nhìn suốt đời. Nếu mình làm việc thiện, việc tốt, con cái sẽ bắt chứơc. Ông nói rằng, mỗi tối gia đình ông đều quây quần trước bàn thờ đọc kinh tối, mỗi thứ Sáu hay thứ Bảy đầu tháng, hai ông bà đều đi tham dự thánh lễ tại Trung tâm Công giáo. Vào mùa hè, hai ông bà ra bãi biển Huntington Beach đi bộ khoảng một tiếng; mùa đông thì hai ông bà dung dăng dung dẻ quanh xóm cho dãn gân, dãn cốt, nhờ vậy mà ít bệnh vặt.

Trước khi từ giã, ông Trần Đức Nhã tâm sự: “Thật sự lúc này là lúc gia đình tôi mãn nguyện nhất, không phải lo lắng điều gì cả; mọi cái đều con cái lo cho hết, nên chúng tôi dành thì giờ lo việc bác ái, xã hội và luôn luôn cầu xin cho mình được sống đẹp lòng Chúa là tốt rồi. Cho tôi xin một lời chúc mừng đến tất cả các người cha trong ngày Father’s Day này”.
source
VienDongDaily

Saturday 5 June 2010

LƯU BÍCH: thế đứng đặc biệt sau 14 năm ca hát


Cập nhật lúc: 5/25/2010 3:53:11 PM
LƯU BÍCH: thế đứng đặc biệt sau 14 năm ca hát

Thế đứng của Lưu Bích là một thế đứng đặc biệt...

Cách đây 14 năm, Lưu Bích đã được khán thính giả để ý ngay sau lần xuất hiện trên một chương trình “”Paris By Night” vào năm 1992 với nhạc phẩm "If I Can Have You". Từ đó đến nay cô vẫn luôn được coi như là một trong những khuôn mặt xinh xắn và khả ái nhất của nền tân nhạc Việt Nam hải ngọai. Thêm vào yếu tố ngoại hình thuận lơi đó là một tiếng hát dễ thương càng ngày càng được cô trau chuốt.

Thế đứng của Lưu Bích là một thế đứng đặc biệt của một tiếng hát không gây ồn ào sôi nổi lúc ban đầu rồi chìm dần sau một thời gian. Đó cũng chẳng phải là một giọng ca được xưng tụng như một hiện tượng hay một danh ca. Nhưng tiếng hát Lưu Bích thật sự là một tiếng hát có khả năng tồn tại nơi tâm hồn người nghe một cách lâu dài.

Sau 14 năm, tên tuổi của Lưu Bích vẫn là một tên tuổi tạo được nhiều cảm mến nơi người nghe đã là một minh chứng cho nhận xét trên (chú thích: bài này được đăng trên TVTS số 1075, có nghĩa là cách đây khoảng 3 năm rưỡi).

Lưu Bích qua Mỹ từ năm 75, khi cô mới được gần 7 tuổi. Thoạt đầu cô ở San Francisco cùng với gia đình. Gần một năm sau cô mới xuống nam California. Lưu Bích cho biết thời kỳ trong lớp tuổi "teenager" của mình, cô đã không có được một cuộc sống vui tươi và hồn nhiên như những bạn bè cùng trang lứa khi còn học ở bậc trung học.

Vì khi mới được 15 tuổi cô đã bắt đầu đi làm thu ngân viên cho một ngân hàng vào mỗi cuối tuần. Cũng trong thời gian đó, các anh chị em trong gia đình cô cũng phải làm việc vất vả để sinh sống nên Lưu Bích không hề tỏ ra nuối tiếc vì đã không có được một tuổi trẻ vô tư. Trái lại còn cảm thấy hãnh diện vì đã gánh vác một phần nào khó khăn cho gia đình cô.

Lưu Bích từng học nhạc khi ở college trong gần 3 năm. Sau đó cô được ông anh Tuấn Ngọc chỉ dẫn thêm ở nhà để có thể chơi nhạc vào mỗi cuối tuần. Cô bước chân vào lãnh vực ca nhạc trong vai trò sử dụng keyboard phụ cho ban nhạc gia đình là Uptigh vào năm 88 và đã cùng ban nhạc này đi lưu diễn ở rất nhiều nơi trong nước Mỹ và Canada. Lưu Bích cho biết cô được sinh hoạt trong lãnh vực ca nhạc là nhờ rất nhiều ở sự khuyến khích của anh chị cô là Tuấn Ngọc và Khánh Hà.

Sau một thời gian sinh hoạt với ban nhạc gia đình, nhận thấy Lưu Bích rất có năng khiếu về ca hát nên mẹ cô và Khánh Hà khuyên cô nên ngưng sử dụng keyboard để tập luyện trở thành một ca sĩ. Quả thật, khả năng ca hát của Lưu Bích đã được mọi người công nhận ngay sau khi cô đứng hát một mình trên sân khầu lần đầu tiên vào năm 94 với nhạc phẩm “Chuyện Tình Không Suy Tư” của Tâm Anh.

Lưu Bích thú nhận cô đã rất hồi hộp trong lần xuất hiện này. Thời gian đó Lưu Bích đang làm cho phòng trà “Chez Moi” do Khánh Hà khai thác và vẫn còn sử dụng keyboard, cho nên vốn liếng bài bản trình bày chưa có nhiêu.

Tuy sinh trưởng trong một gia đình toàn là nghệ sĩ nổi danh nhưng Lưu Bích tự nhận là mình không chịu ảnh hưởng đặc biệt của một ai, ngoài sự được chỉ dẫn của các anh chị. Lý do Lưu Bích cho biết là muốn trình bày theo một lối riêng của mình, vì “khi muốn trở thành ca sĩ, cần phải có lối đi riêng biệt thì khán giả mới nhớ đến”, như cô quan niệm. Lối đi riêng biệt của mình được Lưu Bích diễn tả là phải “rất là nồng nàn và phải để hết feeling vào bản nhạc”.

Cái nồng nàn đó không những đã được Lưu Bích diễn tả qua tiếng hát mà còn được thể hiện qua gương mặt, qua ánh mắt và nụ cười rất dễ gây cảm tình của cô. Do đó những nhạc phẩm do Lưu Bích trình bày trở nên có hồn hơn, có một chiều sâu hơn. Đặc biệt nhất là với những nhạc phẩm do chính cô sáng tác, điển hình như nhạc phẩm “Hãy Nói Yêu Em Đêm Nay” mà cô rất ưng ý.

Mặc dù rời Việt Nam từ khi còn nhỏ, nhưng Lưu Bích không những không gặp trở ngại gì với tiếng Việt. Trái lại cô còn có khả năng sáng tác những nhạc phẩm lời Việt với lối sử dụng ngôn ngữ rất thành thạo. Là một người sống nhiều về nội tâm, Lưu Bích nhận thấy đa số những nhạc phẩm tình cảm đều diễn tả tâm trạng của người đàn ông trong tình yêu. Bởi vậy cô muốn chính mình diễn tả tâm sự của người phụ nữ trong những nhạc phẩm cô soạn.

Như tâm sự của chính cô được cô đưa vào nhạc phẩm “Hãy Nói Yêu Em Đêm Nay”. Nhạc phẩm này Lưu Bích sáng tác vào năm 1995 là thời gian cô đang ngụp lặn trong tình yêu với tất cả nồng nàn và say đắm. Lưu Bích cho biết cô đã sáng tác ca khúc này khi đang chơi piano trong lúc trời mưa bên ngoài và cũng trong lúc cô “đang cần tình yêu” như chính Lưu Bích tâm sự. “Hãy Nói Yêu Em Đêm Nay” cũng là sáng tác đầu tiên của cô được thu thanh trên CD.

Ngoài ra Lưu Bích còn có một số sáng tác khác như "Nụ Hôn Khó Quên", “Hãy Sống Trong Phút Giây”, “Tình Một Chiều”, vv... Chỉ căn cứ vào tựa đề những nhạc phẩm của cô, người ta dễ dàng biết được tâm hồn lãng mạn và quan niệm trong tình yêu của cô, một người rất có tâm hồn nghệ sĩ.

Như mọi người đã biết, Lưu Bích thích trình bầy nhạc tình, nhưng những nhạc phẩm tình cảm đó theo cô phải mang một khuynh hướng lạc quan và hy vọng. Cũng chính vậy cô đã tạo cho mình được thành công trong vấn đề chọn lựa bài bản. Lưu Bích tâm sự trước đó cô đã từng lâm vào tình trạng tuyệt vọng trong tình yêu, nhưng cô nghĩ cuộc sống quá ngắn ngủi nên phải đứng dậy để tiếp tục hy vọng.

Hơn nữa Lưu Bích nhận thấy đời sống trong xã hội hiện thời đã quá căng thẳng nên cô tránh hát những nhạc phẩm với nội dung quá đau khổ vì không tạo được nơi người nghe một niềm hy vọng nào. Cô muốn mang lại cho khán giả những tình cảm vui vẻ, nhẹ nhàng để phần nào giúp cho tinh thần họ được thoải mái sau nhũng phút giây căng thẳng đến từ một cuộc sống đầy những bất an. Và chính bản thân cô nhờ vậy đã có thêm phần lạc quan.

Lưu Bích còn có thói quen lái xe ra bờ biển ngồi một mình cho đầu óc cô được thảnh thơi, thoải mái. Những lúc đó chính là những lúc cô hoạch định những dự án liên quan đến lãnh vực nghề nghiệp của cô. Ngoài ra, Lưu Bích còn có cái thú lái xe chạy vòng vòng nghe nhạc. Những lúc đó thật sự Lưu Bích đã được sống trong một thế giới hoàn toàn chỉ có cô và âm nhạc, không còn chút vướng bận gì với xã hội chung quanh.

Nhờ những khoảng thời gian đối với Lưu Bích rất là quí báu đó cô đã có thêm nhiều cảm hứng để sáng tác hoặc tự nhận xét về những ưu cũng như khuyết điểm trong phạm vi nghề nghiệp của mình để cải tiến hơn về những mặt xét ra cần thiêt. Việc làm đó không ngoài mục đích nhằm phục vụ khán thính giả là những người dành cho cô rất nhiều cảm tình.

Là một con người giầu tình cảm và dễ xúc động, Lưu Bích thường hướng tâm hồn mình về những kỷ niệm đã qua. Từ thời kỳ thơ ấu thiếu hồn nhiên đến những thất bại trong tình yêu của thời niên thiếu. Bây giờ cô đã phần nào quên được sự thất vọng trong tình yêu ngày nào vì cho rằng "trên đời nhờ chữ "quên" mà người ta mới có thể sống được". Lưu Bích đã cố quên và cô đã sống được để ít ra sau đó cô đã lại có dịp sống trong tình yêu.

Người ta có thể nói thẳng Lưu Bích là một thiếu nữ sống với rất nhiều suy tư, nhất là về Tình Yêu và Hạnh Phúc. Những buổi sáng sau khi chạy bộ, ngồi trầm ngâm trước ly cà phê hay hướng mắt về một phương trời xa xôi trên bãi biển Long Beach chính là những lúc đầu óc cô luôn đặt những câu hỏi về cuộc sống và về thân phận con người.

Những người quen biết đã gọi Lưu Bích là một “cô bé triết gia”, luôn tìm cách dung hòa giữa lý trí phương Tây và tình cảm phương Đông. Ngoài suy tư về hạnh phúc và tình yêu đôi lứa, Lưu Bích còn nhận ra được niềm hạnh phúc lớn lao trong tình yêu gia đình mà cả nhà đã dành trọn vẹn cho cô.

Những thất bại về tài chánh trong quá khứ sau một thời gian bước chân ra đời cũng thường nằm trong sự hồi tưởng của Lưu Bích. Cô nhìn lại quá khứ mình để luôn cố gắng vươn lên, để luôn luôn thấy trước mắt mình những tia sáng hy vọng. Cô dựa trên những kỷ niệm để phân tách và rút tỉa cho mình đuợc nhiều kinh nghiệm quí báu. Giờ đây cô đã nguôi ngoai khi đã có được sự bù đắp cho một tuổi thơ không được may mắn. Cuộc sống của Lưu Bích hiện nay có thể coi như một sự đền bù phần nào những thiếu thốn trước kia, về tinh thần cũng như về vật chất.

Phân tách kỹ hơn về Lưu Bích, người ta còn nhận thấy nơi cô một sự quan sát bén nhậy. Từ đó cô đã nhìn cuộc đời bằng một cái nhìn bàng bạc mầu sắc triết lý. Cô cho biết có thời gian cũng thường một mình lái xe đến đủ mọi nơi để ngắm nhìn sinh hoạt của những người chung quanh. Cô đóng vai một người đứng ngoài lề để quan sát cách họ sống để suy nghĩ vẩn vơ về cuộc sống của từng người, về sự phù du của cuộc đời sau khi nhắm mắt xuôi tay.

Nhìn lại mình, Lưu Bích tự nhận thấy sự may mắn cũng đã dành cho cô một chỗ quan trọng trong cuộc sống như cô tâm sự "Em nhìn lên thì chả bằng ai... nhưng khi nhìn xuống cuộc đời thì em còn hơn nhiều người... Tới bây giờ em nghĩ là em rất may mắn". Cũng do đó cô sống theo một quan niệm là "có hai bàn tay, một bàn tay mình làm ra và một bàn tay để giúp người khác", trong Tình Yêu hay trong công việc làm ăn cũng vậy.

Khi trả lời câu hỏi sau này khi lập gia đình, tình trạng này có ảnh hưởng đến phương diện nghề nghiệp hay không vì nhiều người cho rằng sự ngưỡng mộ nơi khán giả sẽ bớt đi khi một người nữ ca sĩ đang được mến mộ có gia đình; Lưu Bích cho rằng điều này có phần đúng, tuy nhiên "tới tuổi nào thì cũng phải thay đổi đời sống của mình, không thể nào sống mãi như thế này, không thể sống độc thân hoài...". Và trên phương diện này, Lưu Bích cũng rất mong có được sự may mắn. Trong trường hợp có gia đình, Lưu Bích mong có được hai con:một trai, một gái nhưng "nếu được một thì cũng vui rồi!".

Cũng chính bởi quan niệm "có hai bàn tay, một bàn tay mình làm ra và một bàn tay để giúp người khác" nên Lưu Bích là một trong những nghệ sĩ tích cực nhất trong những họat động từ thiện. Hình ảnh của một Lưu Bích ôm thùng đi quyên tiền trong các chương trình văn nghệ từ thiện đã trở nên một hình ảnh quen thuộc.

Hình ảnh một Lưu Bích đến thăm những vị cao niên trong những viện dưỡng lão hay tích cực tham gia những công cuộc giúp nạn nhân sóng thần hay bão lụt cũng từng gây được nhiều xúc động nơi những người ái mộ cô. Lưu Bích cũng cho biết nếu có dịp về Việt Nam, cô sẽ tìm cách san sẻ với những người kém may mắn. Như những trẻ em mồ côi hay những người tàn tật. Cô sẽ trực tiếp gặp gỡ họ và muốn tận tay giúp đỡ. Mặc dù chỉ là một phần đóng góp nhỏ nhoi, nhưng theo cô “ có còn hơn không”.

Là con út trong gia đình nghệ sĩ họ Lã, Lưu Bích đã thật sự tiếp nối con đường của bố Lữ Liên, của các anh chị Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh với sự hội đủ những yếu tố đòi hỏi nơi một người nghệ sĩ. Ngoài một giọng ca tốt, một nhân dáng xinh xắn và một sắc đẹp đủ sức thu hút; Lưu Bích còn được thừa hưởng một nếp sống và một nền giáo dục Âu Mỹ dành cho một thiếu nữ trưởng thành tại hải ngoại.

Sang Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ, lớn lên trong nếp sống Á Đông của gia đình và mang nặng ảnh hưởng về cách suy nghĩ ngoài xã hội văn minh, tân tiến; Lưu Bích đã trở thành một thiếu nữ có một cung cách dung hòa giữa hai luồng tư tưởng cũng như lối sống Đông – Tây.

Cuối cùng, sau nhiều trăn trở và suy tư, điều quan trọng nhất với Lưu Bích là cô đã tìm ra một câu giải đáp là trên đời “không có gì tuyệt đối!”. Lưu Bích đã đưa những điều suy nghĩ của cô vào những nhạc phẩm do cô sáng tác vào những buổi tối ngồi trước chiếc đàn dương cầm.

Qua những sáng tác đó, nếu nhận xét kỹ, người nghe sẽ thấy rõ được quan niệm của cô về cuộc sống, rõ nét nhất là nhạc phẩm “Hãy Sống Trong Phút Giây” do cô hợp soạn với Kỳ Duyên, trong đó cô chủ trương quên đi quá khứ, chẳng nên thắc mắc quá về tương lai.

Chỉ có hiện tại là quan trọng. Phải biết “hưởng” những giây phút hiện có. Và hiện nay cô đang hưởng những thành quả do nghề nghiệp cô mang đến sau 14 năm vững vàng trên sân khấu và trong tâm hồn người mến mộ...

Trường Kỳ (Trích báo in TVTS số 1075)

source
TiVi Tuan San

Tuesday 1 June 2010

Bản Tuyệt Tình Ca Cho Cuộc Tình 40 Năm


Jun 01, 2010
Photo courtesy: AP
Photo courtesy: AP

Cali Today News - Hôm nay 01-06-2010 cả nước Mỹ bàng hoàng bởi một tin do hãng thông tấn AP loan đi: Vợ chồng ông Gore - cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ sau 40 năm yêu đương mặn nồng, với bốn mặt con, đã chính thức tuyên bố chia tay.

Sở dĩ nước Mỹ choáng váng là vì hai người gặp nhau, yêu nhau từ thuở học trò, nổi tiếng là một cặp vợ chồng hạnh phúc trong suốt thời gian 8 năm làm Phó Tổng Thống, và trước mắt công chúng họ luôn luôn “trình diễn” và bày tỏ mối tình thắm thiết đó. Chẳng hạn như trong Đại Hội Đề Cử Ứng Cử Viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ năm 2000, hai người đã ôm nhau hôn môi, hôn miệng quá lâu làm cho mấy chục ngàn đại biểu về tham dự đại hội và cả thế giới “nghẹt thở”. Rồi cũng trong đại hội đầy vinh quang này ông đã tuyên bố “ Vợ tôi (Tipper Gore) là người mà tôi yếu hết lòng kể từ đêm chúng tôi gặp nhau ở buổi hòa nhạc ở trung học.” Cũng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2000, bà đã ca ngợi ông trong cuộc phỏng vấn của Hãng AP như sau “ Anh ấy mệt lử cò bợ (dog tired) mà vẫn còn ngồi vào bàn làm việc, nhưng khi tôi cần thứ gì ở trong phòng thì ảnh không ngần ngại đứng dậy và lấy cái đó cho tôi.”

Là một phó tổng thống đẹp trai của một siêu cường, đoạt giải thường Nobel về hâm nóng địa cầu năm 2007, đọat giải Điện Ảnh Oscar cùng năm với phim tài liệu “An Inconvenient Truth”… mà yêu vợ đến như vậy là cùng. Mối tình của họ cứ tưởng mỗi ngày mỗi nồng thắm cho đến ngày đầu bạc răng long. Nhưng có ai ngờ?
Câu hỏi đặt ra là tại sao? Có cái gì bất ổn ở bên trong… mà người Mỹ gọi là “What went wrong?” Mọi phỏng đoán bây giờ đều đúng và có thể đều sai:

- Ông già rồi không còn sức khỏe để phục vụ bà?
- Bà cằn nhằn ông vì ông không trở thành tổng thống theo đúng ước vọng của bà? Mộng của bà là “đệ nhất phu nhân”, “đệ nhị phu nhân” thì bà không chịu?
- Càng già bà càng giở chứng khiến ông chịu không nổi?
- Giờ bây bà già rồi, ông thì hào quang và tiền bạc sáng chói thiếu gì bà ngấp nghé?
- Hoặc chính ông giở chứng và không còn chiều bà như xưa nữa?

Chỉ ít ngày nữa thôi truyền thông báo chí tha hồ khai thác, thêu dệt. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi, dĩ nhiên không cần phỏng đóan mà đúng 100%… là hai ông bà đã chán nhau tức không còn yêu nhau nữa. Ôi Luật Vô Thường chi phối tất cả. Không có một điều gì thóat khỏi quy luật quái ác này. Sự tan vỡ của mối tình của Al và Tipper làm phong thú thêm kho chuyện tình buồn và làm ngậm ngùi nhiều thế hệ sau. Rồi đây, theo lời cố vấn của bạn bè hoặc của các tâm lý gia, hai người sẽ rút lui vào bóng tối để tránh sự soi mói của truyền thông và công luận. Rồi ông hoặc bà, hoặc cả hai người sẽ có tình nhân mới và dĩ nhiên một cuộc đời mới. Nhưng cái di sản để lại cho con cái thì thật bất hạnh không sao xóa sạch.

Người nghệ sĩ thường “thương vay khóc mướn” cho nên có chia xẻ với cái đau buồn của thiên hạ cũng là chuyện thường. Nhân đây xin tặng ông bà bản Tuyệt Tình Ca và cũng để tặng những ai đang yêu đương say đắm... thì hãy cố mà giữ lấy. Hãy cố gắng chiến đấu chống lại quy luật quái ác của Con Quỷ Vô Thường.

Tuyệt Tình Ca

Đời như gió gào.
Từng ngày… người quên hết lời.
Một ngày… người đi mất rồi.
Lời thề…tưởng như lâu dài.
♥ ♥ ♥
Nhưng…tình yêu rã rời.
Lầu đài giờ đã hết rồi.
Lòng đời… tựa như sóng ngầm
Mà người…không sao biết hết.
Như giấc chiêm bao.
♥ ♥ ♥
Từng, từng đêm ân ái
Giờ chỉ là gian dối
Trong một thoáng mê say.
Đêm nao em (anh) còn nhớ không?
♥ ♥ ♥
Giờ người đành quên cho hết.
Giờ chỉ còn sấu đắng.
Cho nhói buốt trong tim.
Cho chua xót đời nhau.
♥ ♥ ♥
Thời gian rã rời.
Một ngày… người đi hững hờ.
Mà người chẳng biết giã từ.
Cuộc đời… rồi cũng chóng tàn.
♥ ♥ ♥
Và người hãy nhớ rằng
Tình đời rồi cũng phũ phàng.
Dù người còn hối tiếc nhiều.
Dù người còn say men mới.
Cũng sẽ…phôi pha.

Đào Văn Bình
(01-06- 2010)


Page 1 of 1
source
Calitoday