Saturday 13 March 2010

Những nghịch lý của cuộc sống



Cập nhật lúc 3:17:28 AM - 10/03/2010

Lời hay ý đẹp


Ho-Diep-3.jpg



Chào các bạn, kỳ này Thanh Hằng xin chuyển đến các bạn một bài viết mà một người bạn đã gửi qua email cho Thanh Hằng.


Những nghịch lý của cuộc sống


Có những điều hiển nhiên đến nỗi bạn không bao giờ bận tâm về nó. Có những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt và bạn đã không làm từ rất lâu vì nhiều lý do.

Hãy bình tâm ngồi lại, bạn sẽ thấy những điều hiển nhiên ấy, những điều nhỏ nhặt ấy. Có rất nhiều điều để bạn suy ngẫm lại về bản thân.


Chúng ta có ít nhưng xài nhiều, chúng ta mua nhiều nhưng sử dụng ít.

Chúng ta có nhà rộng với mái ấm hẹp, có tiện nghi nhưng ít thời gian.

Chúng ta có nhiều bằng cấp, nhưng lại có ít trí thức.

Chúng ta có nhiều kiến thức, nhưng lại thiếu sự suy xét.

Chúng ta làm ra những thứ lớn hơn nhưng chưa chắc có phẩm chất hơn.

Chúng ta làm giàu tài sản, nhưng lại làm nghèo giá trị bản thân.

Chúng ta nói quá nhiều, thương yêu quá ít và thường hay ghét người.

Chúng ta kéo dài tuổi thọ, nhưng không sống đúng ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Chúng ta chinh phục không gian vũ trụ, nhưng lại bỏ trống không gian tâm hồn.


KIMMIE-&-SAAD.jpg


Chúng ta cố làm sạch không khí, nhưng lại làm vẩn đục tâm hồn.

Chúng ta biết đường đến mặt trăng, nhưng lại quên đường đến nhà người hàng xóm.

Chúng ta xây nhà cao hơn, nhưng lại hạ thấp tâm tính; mở đường rộng hơn, nhưng lại thu hẹp tầm nhìn.

Chúng ta uống quá nhiều, hút quá nhiều, xài tiền không toan tính; cười quá ít, lái xe quá nhanh, hay cáu giận; thức khuya để rồi uể oải dậy sớm; đọc quá ít và coi TV quá nhiều.

Chúng ta được học cách phải tiến nhanh về phía trước, mà chưa học cách chờ đợi.

Chúng ta được dạy cách kiếm sống, chứ không phải cách sống.

Đây là thời đại của thức ăn nhanh và tiêu hóa chậm; của những con người to hơn, nhưng nhân cách nhỏ hơn; tài sản rất sâu, nhưng tình thương lại cạn.

Đây là thời đại kỹ thuật có thể đem những điều này đến với bạn, thời đại mà bạn có thể đọc hoặc dễ dàng vứt nó đi.

Hãy nhớ dành nhiều thời gian hơn cho những người bạn yêu thương, bởi vì không chắc rằng họ sẽ còn ở bên bạn mãi mãi.
Hãy nhớ, nói một lời dịu dàng đối với những người kính trọng bạn, bởi vì con người nhỏ bé đó một ngày nào đó sẽ lớn, lớn hơn cả bạn.
Hãy nhớ, ôm thật chặt người ngồi kế bên, bởi vì đó chính là kho báu duy nhất của con tim và nó không tốn một xu nào.
Hãy nhớ, một nụ hôn hay một cái ôm từ sâu thẳm con tim, có thể sẽ chữa lành những vết thương.
Hãy dành thời gian để yêu thương, để nói chuyện và để chia sẻ những điều quý giá trong tâm hồn bạn.
Bạn nên nhớ ý nghĩa của cuộc sống không được tính bằng độ dài thời gian, nó chỉ có nghĩa trong khoảnh khắc bạn từ bỏ nó.

Sưu tầm

source

Vien Dong Daily

Thursday 11 March 2010

Sáu điều cần làm trước khi về hưu


March 12, 2010


KIM NGÔ (Prudential)

Chuyển ngữ: TRIỆU PHONG

Tuổi sắp về hưu, sự chuẩn bị về tài chánh trở nên ngày càng quan trọng. Bên cạnh những chuẩn bị về mặt sức khỏe (điều chúng ta đã nghe quá nhiều rồi), thì giải pháp về tài chính mà quí vị thực hiện và theo đuổi trong năm cuối cùng còn làm việc, trước khi về hưu, sẽ thực sự mang lại một sự khác biệt ở giai đoạn tuổi vàng. Chúng tôi xin gợi ý vài điều thiết thực sau đây:

1. Có óc tổ chức: Sắp xếp, lưu giữ hóa đơn mua đồ, văn bản đầu tư (investment statements) và hồ sơ khai thuế (tax returns) là một trong những yếu tố quan yếu cho kế hoạch tài chính của quí vị. Thiết lập một hệ thống quy củ ngay từ bây giờ, quí vị sẽ không phải lúng túng cho giai đoạn sau. Lập hồ sơ riêng biệt cho mọi chi phí được trừ thuế (tax-deductible expenses), sổ sách ngân hàng và văn bản đầu tư, kê khai đòi tiền bảo hiểm (insurance claims) và “cùi” lương (pay stubs) cùng mẫu W2. Bước đơn giản này sẽ mang lại cho năm tài chính của quí vị một khởi đầu tốt đẹp.

Về hưu. Photo Tường Linh/Việt Tribune

2. Lập bản sao các hồ sơ quan trọng: Trong trường hợp khẩn cấp, quí vị có thể cần ngay đến những hồ sơ quan trọng, như hợp đồng bảo hiểm (insurance policies), trương mục ngân hàng và số thẻ tín dụng. Thu thập một danh sách gồm thông tin về các trương mục và số điện thoại liên lạc của các trương mục ngân hàng cũng như thẻ tín dụng quan trọng. Cũng nên lập bản sao các văn tự chuyển nhượng về địa ốc (deeds to property), cổ phần chứng khoán (stocks) và văn bản đầu tư, cùng những cổ phần giá trị khác. Cất mọi thứ ở một nơi an toàn trong nhà, đồng thời lập bản sao tất cả và đem cất giữ ở một nơi khác bên ngoài nhà quí vị, ví dụ đem gửi vào hộp lưu trữ an toàn của ngân hàng (safety deposit box).

3. Bắt đầu một kế hoạch để xóa bớt nợ: Viết xuống số tiền còn nợ các thẻ tín dụng, mức phân lời hằng năm và tiền trả tối thiểu hằng tháng của mỗi thẻ. Tính xem thẻ nào nên thanh toán trước (thẻ có mức phân lời cao nhất). Có nhiều phương cách để giải quyết tùy theo quí vị nợ nhiều hay ít, có thể quí vị phải cần đến một cố vấn tài chánh để giúp đỡ phát triển một kế hoạch thanh toán đặc biệt. Cũng đừng nên bị cám dỗ khi đi mượn nợ từ giá trị của căn nhà (equity loan) để trả hết nợ thẻ tín dụng. Làm vậy quí vị chỉ lấy một nợ có thế chấp (secured loan) để trả cho một nợ không thế chấp (unsecured loan) mà không loại bỏ được khuynh hướng tiêu xài quá mức của quí vị.

4. Duyệt lại kế hoạch hưu bổng 401k: Hoặc nên lập ngay nếu quí vị chưa có, công ty nơi bạn làm việc sẽ cung cấp cho quí vị một kế hoạch hưu trí (retirement plan). Nhiều chủ nhân còn tặng thêm vào phần đầu tư cho tiền hưu 401k ứng với số tiền quí vị trừ ra vào mỗi kỳ lương (match funds); đôi khi bằng 50% số tiền quí vị đóng vào, và cũng có khi lên đến tối đa 6% tiền lương của quí vị. Đó là tiền “cho không biếu không!” Nếu quí vị đã mở kế hoạch sẵn rồi thì bây giờ là thời điểm tốt để phân định xem có cần điều chỉnh lại không.

5. Xem lại hợp đồng bảo hiểm: Năm nay quí vị có tu bổ thêm cho căn nhà, hay sinh thêm con, hoặc thay đổi việc làm không? Có thể quí vị nghĩ rằng mình sẽ cần làm lại hợp đồng bảo hiểm để được bảo phí thích hợp. Nếu quí vị hay người phối ngẫu bỏ sót không nghĩ đến việc mua bảo hiểm nhân thọ hay tàn phế thì nay là lúc nên gặp một chuyên viên bảo hiểm rành nghề, để bàn thảo về lợi ích của những quyền lợi bảo vệ tài chánh quan trọng này.

6. Duyệt lại kế hoạch địa ốc của quí vị: Lập hồ sơ di chúc phòng khi quí vị qua đời là điều thiết yếu. Nếu quí vị chưa đụng đến bao giờ thì nên lập kế hoạch với một luật sư cho vấn đề sức khỏe và tài chánh cũng như di chúc. Những bước đơn giản này có thể giúp bảo vệ cho tài sản của quí vị cũng như người thân trong gia đình một khi có điều bất ngờ xảy đến.
Vạch ra mục tiêu rõ ràng, rồi đi từng bước thích hợp để thực hiện những mục tiêu đó, sẽ giúp quí vị tạo được những bước tiến to lớn hướng đến một năm mới sung mãn về tài chánh.

(Ghi chú: Tác giả Kim Ngô là chuyên viên của hãng tài chánh Prudential. Mọi thắc mắc, tư vấn, xin gọi Kim Ngô, 714-902-3355, email kim.ngo@prudential.com)

source

Viet Tribune Online

Friday 5 March 2010

Ngôi chùa trong tâm tưởng




Nguyen Van SAmNguyễn Văn Sâm

Nguyễn Văn Sâm sanh tại Sài Gòn,1940. Từng dạy ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sài gòn) và các trường Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hoà Hảo, Cần Thơ. Sang Mỹ từ năm 1979, vẫn sống bằng nghề dạy học. Viết cho Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt. Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Ở Mỹ, Nguyễn Văn Sâm viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương. Gần đây, trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu. Thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Giáo sư Viện Việt Học, California, Hoa Kỳ. Cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ.

Tôi có người bác ruột, bác Ba, tu ở cái cốc trong khuôn viên nhà vốn là một khu vườn dừa rộng rãi. Hằng ngày tôi được đánh thức dậy bằng tiếng mõ lốc cốc, tiếng kệ kinh ê a của sư bác khi trời mới vừa hừng sáng. Má tôi nói sư bác trước dạy học cũng nổi tiếng trong vùng, bỗng nhiên từ nhiệm về đây dựng cốc tu hành, chắc có tâm sự gì đó. Má còn nói kệ kinh công phu sáng của sư ít nhứt cũng đánh thức người chung quanh dậy đúng giờ, đó là chưa kể gương kiên nhẫn của sư là một bài học quí giá nên theo. Buổi chiều, trời mới chạng vạng là sư đã có thời kinh tối, chăm chỉ, không ngày nào mệt mỏi. Cái cốc của sư bác là nơi tôi thăm viếng khi thiếu lũ bạn cùng lứa để rong chơi ngoài đồng hay tắm sông, bẻ mía, lặt dừa, tát đìa, mò cá...Lần nào sư bác cũng cho trái cây cam quít, chuối, đu đủ… chín rục có những dấu tích đổi màu do chưng hơi lâu trên bàn Phật. Nhiều khi qua cốc lúc sư đương thời kinh, tôi tự nhiên ngồi ở một mép chiếu để lắng nghe cái âm thanh huyền bí có sức ru ngủ mình với tất cả sự thích thú và lòng kiên nhẫn đợi chờ được sư bác vò đầu nói vài ba câu chuyện đời rồi cho ê hề bánh trái.

Lần nào cũng vậy trong khi chờ đợi, tôi tò mò nhìn mấy tấm tứ thời treo trên vách lá vẽ hình ông Phật ngồi nhắm mắt tham thiền hay ngắm nghía hình quỷ dữ mặt xanh nanh vàng, đầu u nần năm bảy cục đang lấy chĩa ba đâm người hay kéo lưỡi cắt họng thiên hạ. Lúc rảnh rang sư bác thường cắt nghĩa về những bức tứ bình đó và thường nhấn mạnh bây giờ là đời mạt pháp quỷ sứ ma vương tràn đầy ngoài đường, đức Phật Bồ Tát cũng xuống thế độ nhơn nhưng ít thành công hơn thời Thượng Nguơn vì con người bây giờ làm điều xấu quá nhiều.

Tôi thắc mắc là sao ngoài đường không bao giờ thấy quỉ sứ, ma vương gì hết. Sư bác cười, vò đầu tôi hỏi: “Con có bao giờ thấy thằng ăn trộm, thằng đâm thuê giết mướn không? Nó trộm đồ mà người ta đổ biết bao nhiêu công khó mới có, nó nhận tiền người nầy để chém giết người kia… nhưng mặt mày nó ngoài đời cũng bình thường như chúng ta mà thôi. Đó là quỷ sứ nhập thân hay là ma vương hiện hình đó con. Thợ vẽ vẽ mặt mày ma vương có nanh vuốt là để cho dễ thấy dễ biết mà thôi, chớ thật sự quỷ sứ ma vương không khác gì người thường hết đâu con. Vậy nó mới sống chung lộn với người đời, mới hại người ta được.”

“Còn Phật thì sao sư bác? Phật có hào quang trên đầu. Phật chỉ ngồi tham thiền thôi phải không sư bác?”

“Đó là Phật ngày xưa lâu lắm rồi. Thời mạt pháp nầy Phật xuống thế gian ở mọi nơi, lúc nào chung quanh ta cũng có Phật, cũng có Bồ Tát giúp ta tranh đấu chống ma vương. Chỉ tại lòng ta không đủ tín thành để chấp nhận đó là Bồ Tát mà thôi.”

“Sư bác nói khó quá con không hiểu.”

“Nầy nhe! Phật không xuống thế bằng một nhân thân, mà xuống thế thành muôn vạn người vô hình hay hữu hình ở kế bên mỗi người chúng ta. Phật trợ duyên từng người để biến người đó thành Bồ Tát trong một thời khoảng ngắn. Nếu người nào thành Bồ Tát nhiều lần, thành Bồ Tát lâu dài thì sau nầy khi chết sẽ được siêu độ. Nhưng bên cạnh người đó cũng có quỷ sứ, ma vương hiện diện. Nó xúi giục làm bậy như trộm cắp, láo xược, ngoại tình, gian dối, ức hiếp để dành giựt ruộng vườn nhà cửa của kẻ cô thế… nếu người nào nghe theo chúng thì biến thành ma vương một thời gian. Biến thành ma vương nhiều lần thì khi chết sẽ bị đọa địa ngục đời đời chịu khổ hình dưới âm ty không thể đầu thai.”

Tôi vùng ôm mặt khóc lớn, nức nở:

“Vậy con sẽ bị đọa địa ngục. Sư bác cứu con với. Con ăn cắp hết ba trái xoài của bà nội vú trong khạp gạo rồi đổ thừa cho thằng em con. Lần trước nải chuối sứ cũng vậy. Con cũng lén cạy ống heo của đứa em gái nữa, mỗi ngày cạy lấy một chút, con cũng bẻ trộm mía của hàng xóm, con cũng ăn hiếp thằng Tửng nhà xóm trên vì nó nhỏ hơn con.”

Sư bác tôi từ tốn giải thích:

“Những lúc làm điều xấu như vậy con đã biến thành ma vương thời gian đó. Nếu con biết mình 1àm xấu mà chừa đi, mà ăn năn làm lành trở lại thì ma vương không thể dụ dỗ con để làm nô lệ cho nó nữa. Lâu ngày nó chán bỏ đi kiếm người khác dễ dụ dỗ hơn. Làm điều tốt thì con đã hóa thân thành Bồ Tát lúc đó. Bồ Tát hay ma vương là những trạng thái ngắn hạn trong lòng mỗi con người, không phải là trạng thái hằng cửu. Lúc làm Bồ Tát thì người ta sung sướng thơ thới lòng, mặt mày sáng sủa rạng rỡ như có hào quang tỏa ra. Lúc làm ma vương thì lòng nóng như bị thiêu đốt, khó chịu, mặt mày đăm chiêu buồn lo. Đó là lửa dục thiêu đốt lòng, đó là những u nần mọc ngược vào trong tâm não, đâm vào phía bên trong của người con.”

Tôi lý sự trả treo:

“Vậy thì con người đồng thời là Bồ Tát và ma vương?”

“Đúng vậy! Khi hành động vì người khác, mình là Bồ Tát, khi hành động có hại cho người khác để lợi cho mình, ta là ma vương. Nói là nói đơn giản như vậy, chứ hành còn hạnh nữa. Hành vi Bồ Tát nhưng tâm hạnh ma vương thì cũng là ma vương thôi. Mà thôi! Con buồn ngủ rồi, ta sẽ nói chuyện hành và hạnh trong dịp khác.”

Tôi buồn ngủ thiệt tình, mấy từ ngữ khó nuốt trôi như hóa thân, trạng thái ngắn hạn, trạng thái hằng cửu, lửa dục hào quang mà không thấy được, u nần mọc vào bên trong tâm não nhảy múa loạn xạ trong trí tôi…. Tôi cũng ngán ngẩm khi nghe đến các khái niệm hành và hạnh. Chúng không hấp dẫn bằng nải chuối thâm kim, mấy trái quít và hai chén chè trên bàn Phật trước mặt đang cười cười mời gọi.

Sư bác tôi nhìn thấy ánh mắt ước muốn của cháu mình, nói trong nụ cười hiền từ:

“Con đương bị ma vương dụ dỗ đó. Bây giờ còn nhỏ thì chẳng sao đâu, ma vương chỉ dụ được những việc xấu nhỏ, nhưng đừng để ma vương có dịp lớn lên trong tâm hồn mình. Quan trọng là phải chống lại những cám dỗ của ma vương.”

Sư bác tôi đứng dậy nhón chưn hạ dĩa trái cây xuống, hào phóng đưa cho đứa cháu trần tục của mình thiệt nhiều quà của Phật.

Chỉ đợi có vậy, tôi kéo banh vạt áo trước ra đựng, hai tay ôm chặt, chạy u ra tuốt mé mương ngoài rìa vườn nhà nơi thường có mấy thằng bạn trang lứa tụ tập trửng giỡn, phá phách…

“Xuống xe qua bac bà con cô bác ơi!” Người lơ xe vừa nhảy xuống, xe vẫn còn trờ bánh tới nhè nhẹ, đã ca bài ca xưa cũ. “ Chỉ có ông bà già là được ngồi lại trên xe, còn ai thanh niên thì xuống đi bộ qua bac nhe! Tới trước kia mà nhận giấy qua bac.”

Mọi người lục tục xuống xe, người lếch thếch đi tìm chỗ tiểu tiện, kẻ xăm xăm vô quán kiếm chút gì đó dằn bụng, giáo Bửu theo đám đông bước về phía trước, chỗ xét giấy, nơi đây thằng lơ xe đã đợi sẵn chìa cho khách của xe mình tấm giấy trả tiền qua bac. Giáo Bửu nhìn đoàn xe nhà binh rồi lắc đầu ngao ngán: “Điệu nầy hai ba giờ đồng hồ nữa biết xe mình nhúc nhích được chưa. Xe nhà binh ưu tiên mà đi hành quân dài sọc như thế nầy tới bao giờ xe dân sự mới được qua.”

Anh bước vô đám đông để nghe điệu ca vọng cổ mùi tận mạng do một nghệ nhân lỡ thời đương xuống giọng xề. Nghệ nhân cụt hết hai tay tới cùi chỏ, chỉ còn lại lủng lẳng hai cánh trước. Anh ta mang trước ngực một cái lon sữa bò là chỗ đựng tiền do khách bộ hành mủi lòng thương hại bố thí cho. Cái micro được cột vô một cánh tay cụt, khi nghệ nhân cất giọng ca thì giơ lên, người cột đã canh vừa đủ tầm cho âm thanh có thể bắt được.

Giáo Bửu hờ hững nghe, cũng bâng quơ ngó người đàn bà già trước tuổi đi sau nghệ nhân, ôm cây đàn. Bỗng anh như nhảy nhổm lên hỏi lớn:

“Phải mầy đó không Phan?”

“Phải! Bửu còn nhìn tôi sao? Tưởng giả bộ quên tôi rồi!”

Giáo Bửu ứa nước mắt, hai tay choàng qua ôm bạn:

“Hơn chục năm rồi mình không gặp nhau. Cuối năm học đó mình không bao giờ gặp lại bạn nữa.”

Người chung quanh tò mò nhìn sự tương phùng của hai người bạn. Người đàn bà của Phan lãnh đạm ngó bạn của chồng.

Giáo Bửu xăng xái mời hai người ghé vào quán gần đó…

Bên ly trà đá người nghệ nhân kể lại đời mình với một giọng thiệt bình thường nhưng Giáo Bửu nghe như kim đâm vô tim từng cái từng cái đau điếng hồn:

“Tôi mất căn bản về Toán và Sinh ngữ, anh chỉ giùm thì biết chút chút vậy thôi, Khi anh quá bận thì tôi đành chịu. Cuối năm đó thi lên lớp rớt, phải về quê làm ruộng với ông già. Anh cũng biết vùng xôi đậu mà, ban ngày bên (...), ban đêm họ về, tuyên truyền, bắt lính…Họ bắt mình theo vô bưng. Thời chiến tranh mà! Vướng vô vòng thì không chuyện nầy cũng chuyện khác.Trong một trận chống càn, tôi bị pháo trúng...tàn phế nên được tản cư ra chợ đã năm sáu năm nay. Còn sống là may. Có người vợ chịu thương chịu khó theo mình cũng là một cái may nữa. Gặp anh, anh không sợ mất thể diện mà nhìn bạn, tôi sung sướng vô hồi. Mấy năm nay tôi sống trong bi thiết chán chường lúc nào cũng muốn rũ sạch bụi trần để ra đi. Đời mình còn gì nữa đâu để ham hố níu kéo. Chưa làm được vì còn một mụn con thơ và người đàn bà tri kỷ.” Giọng Phan nhỏ dần như tiếng thở dài hiu hắt. Giáo Bửu nghẹn ngào ray rứt trong tâm, thấy dường như mình có lỗi.

Tôi đi trả nợ cho nửa quê hương (...) hơn mười năm mới trở về, ngơ ngác giữa dòng đời bon chen xào xáo nhưng hiếm hoi chân tình với người chung quanh gần gũi. Cha tôi đã mất, sư bác cũng đã siêu linh tịnh độ hơn bảy tám năm nay rồi. Những buổi chiều buồn, tôi lang thang vô cái cốc hoang phế đóng kín cửa, phủ lớp bụi trần từ ấy để tìm chút dư vị tuổi thơ. Một lần tôi tò mò mở một gói giấy dầu đặt ở cuối góc trang thờ Phật, ngoài có đề mấy chữ nắn nót: Kinh Phật A Di Đà. Tôi mở ra, ngoài hai gói kinh còn có một gói tiền toàn giấy nhỏ một trăm, hai trăm, năm trăm, một ngàn, hai ngàn .. và một bức thơ gởi cho tôi.

Phong Điền, ngày tháng năm vô vọng.

Tuấn con,

Tiền nầy sư bác chắt mót kỳ khu hơn hai chục năm mới có được. Đổi đi đổi lại thì ra thế nầy, đủ để mua mười lượng vàng hay cất một kiểng chùa nho nhỏ cho Phật tử có nơi đến chiêm bái đấng Từ Phụ. Đủ tiền thì sư bác thỏa mãn ước vọng xây chùa đồng thời thất vọng về chính mình, té ra bao nhiêu năm nay mình lặn lội cực nhọc, mình dè xẻn khiêm tốn vì một số tiền, mình cười với tín hữu nầy, vâng dạ với tín hữu kia vì số tiền đó.
Ngôi chùa phác họa trong tâm tưởng hướng dẫn cái hành Bồ Tát, còn cái hạnh Bồ Tát của sư bác nằm ở đâu? Cất chùa lớn rồi thì sư bác phải dính vô chuyện duy trì chùa, bảo vệ chùa, sư bác sẽ sinh hoạt chùa chớ còn đâu tâm trí để tu hành kệ kinh, sư bác sẽ làm chuyên chùa sự chứ đâu phải làm chuyện Phật sự. Cái hạnh Bồ Tát suốt đời sư bác nhắm về coi như mỗi lúc càng chạy ra xa.

Khám phá ra điều nầy, sư bác thấy bao nhiêu năm nay tưởng rằng mình làm đúng hóa ra sai. Sư bác tạ lỗi với chư Phật bằng cách tuyệt thực từ từ cho đến ngày được về chầu Phật tổ. Số tiền nầy con có toàn quyền sử dụng theo ý muốn, có ích cho con hay cho người khác đều được.
Nhưng con nên nhớ cái hạnh đáng quí gấp mấy lần cái hành.

Cầu nguyện ơn trên gia hộ cho con.

Thích Giác Nguyện.

Chỗ ký tên thế danh lâu ngày mực nhòe nhoẹt không đọc được, cố gắng lắm mới nhìn ra là Nguyễn văn Bửu.

Số tiền đó má tôi chép miệng than rằng với thời giá, mua chưa đầy ba chỉ vàng, một cái chùa bình thường nho nhỏ ở vùng quê lúc nầy cũng phải tốn gấp trăm lần số đó. Ngồi nhìn gói tiền lâu ngày ẩm mốc, bốc mùi tanh tanh từ những bàn tay dính đầy dầu mỡ, cát đất, cá thịt của chúng sanh nghèo khổ khi cúng dường cho sư, tôi quyết định đem (...) bỏ để giải thoát hương linh sư khỏi vướng víu với nó nữa. Nơi chốn thiêng liêng kia chắc sư không còn thắc mắc về hành hạnh, theo tôi hai khái niệm nầy hòa quyện lẫn nhau không có lằn ranh phân biệt, càng biện biệt ta càng bị bủa vây không lối thoát…

Xếp bằng chỗ ngày xưa sư bác đặt bồ đoàn ngồi gõ mõ tụng kinh, tôi (...) từ tờ những tấm giấy bạc thiệt như người ta đốt giấy tiền vàng mã. Ngọn lửa xanh lân tinh từ tốn ngún cháy, liếm từ chút từ chút, mấy cái hình trên giấy bạc bỗng chốc trở nên méo mó dị dạng. Tôi chợt mơ hồ thấy nụ cười hiền từ của sư bác quanh quẩn đâu đây.

“Mong sư bác siêu thăng, hành và hạnh Bồ Tát chẳng qua là những điều dạy đạo lý giúp người đời sống từ bi vị tha, sư bác đã hành thiện, đã sống xứng đáng là một con người khi cố gắng thực hành một ước vọng không vì mình. Sư bác đáng được về cõi tĩnh hằng miên viễn như một Bồ Tát….”

Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA 12/09

***********************

source

VOA Vietnamese