Saturday, 25 February 2012

Hắn bần tiện quá!


Hắn bần tiện quá!
Tuesday, February 21, 2012 2:43:57 PM


LTS:
Mục “Biết Tỏ Cùng Ai,” nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai.

Mục “Biết Tỏ Cùng Ai” sẽ do cô Nguyệt Nga và anh Vân Tiên phụ trách.

Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: conguyetnga@gmail.com

Thưa cô Nguyệt Nga và anh Vân Tiên,

Em có người bạn, hắn đẹp trai, cao ráo, ăn nói có duyên, em cũng có cảm tình với hắn. Hai đứa học cùng lớp. Cách nay cũng mấy tháng tụi em giận nhau, lý do lãng xẹt. Có một lần cả đám bạn đi chơi ở Las Vegas.

Hôm đó, jackpot là $17,235,341. Tụi em mới thay phiên nhau “mơ trúng số.” Có một người bạn trong nhóm nói, nếu như trúng, bạn ấy sẽ cho mỗi đứa 100 ngàn. Bạn thứ 2 nói sẽ cho các bạn 235,341. Ðến phiên hắn, hắn nói tiền trúng số hắn sẽ mua nhà ở biển, mở bussiness... số tiền $341 lẻ hắn sẽ cho bạn bè. Thế là tự nhiên 3 người cãi nhau. 2 người kia nói: “Tại sao tao cho mày nhiều mà mày keo kiệt quá vậy, tiền trúng số mà!” Chuyện lãng xẹt, nhưng câu chuyện làm em rất hoang mang. Em sực nhớ lại thì từ xưa đến nay đi ăn chung, chưa bao giờ hắn trả tiền. Áo quần vật dụng hắn sắm cho bản thân toàn đồ mắc tiền. Mà quà hắn tặng mọi người thì “cheap” thấy sợ luôn. Em không cần biết hắn nói thật hay chơi, nhưng hắn bần tiện quá nên em giận hắn.

Mới đây hắn làm huề với em rồi hắn tỏ tình với em, em nhớ chuyện “trúng số” mà hoang mang.

Thưa anh Vân Tiên và cô Nguyệt Nga, Em muốn hỏi, em có quá đáng không? Liệu em ừ hắn, sau này về với nhau, hắn có phát tiền chợ cho em mỗi ngày không?

EmNhieuChien

Nguyệt Nga trả lời:

Chuyện “trúng số,” mình có thể hiểu “hắn của em”: Keo kiệt. Mà cũng có thể hiểu: Hắn chỉ đùa. Nhưng cộng thêm chuyện hắn không bao giờ biết đứng dậy trả tiền ăn cho bạn, thì nhiều phần hắn là người coi đồng tiền to bằng bánh xe lửa.

Và như thế em hoang mang là không có gì quá đáng cả. Tưởng tượng có một người chồng keo kiệt cũng mắc cỡ lắm! Trong các buổi ăn chung với bạn bè, ăn xong đến giờ trả tiền, thấy chồng mình quịt mặt xuống, hay làm bộ nói nhăng nói cuội, lơ đi chuyện trả tiền. Hoặc đợi người ta đứng dậy trả mới làm bộ móc ví ra, mà áo quần thì lúc nào cũng bảnh bao, hàng hiệu.

EmNhieuChien ơi! Hắn của em thuộc loại người

Của mình thì giữ bo bo

Của người thì thả cho bò nó ăn

Có những tính xấu chấp nhận được, nhưng cũng có những tính xấu mình không chấp nhận được. Và một trong những tính xấu không chấp nhận được đó là keo kiệt. Vì keo kiệt sẽ đưa đến ích kỷ, mà ích kỷ là nguyên nhân của bao nhiêu điều xảy ra. Người ích kỷ chỉ dành hết những điều có lợi cho mình, mà không để ý gì đến quyền lợi của người khác.

Cô Nguyệt Nga không dám đoan chắc “hắn của em” có phát tiền chợ không, nhưng có một điều cô tin chắc là em chưa yêu hắn đủ. Em chỉ thích nước sơn thôi, còn gỗ thì em chê. Ông bà mình có nói, tốt gỗ thì hơn tốt nước sơn. Mà trong mắt em hắn chỉ tốt nước sơn.

Chả lẽ cô xúi em bỏ hắn quách cho rồi. Em sáng suốt và sâu sắc đến thế thì em biết ý cô muốn nói gì với em rồi.

Vân Tiên trả lời:

EmNhieuChien thân mến

Em đừng lo vụ “sau này về với nhau, hắn có phát tiền chợ cho em mỗi ngày không?” Chắc chắn là em sẽ đi làm kiếm ra tiền và em tự có tiền chợ thôi!

Nói chung thì keo kiệt là tốt vì dễ giàu. Nếu em cưới “hắn” thì em sẽ dễ có chồng giàu. Ðiều đó chắc hẳn sẽ làm cha mẹ em vui, nên Vân Tiên sẵn sàng khuyến khích.

Còn nếu em hỏi liệu sau này hắn có tiếp tục kẹo kéo không thì anh Vân Tiên sẽ trả lời là chắc chắn thế, nhưng vì em không hỏi nên anh Vân Tiên không nói.

source
Nguoi-Viet Online

Wednesday, 22 February 2012

Coco Chanel: Huyền thoại và Cuộc đời


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Ba, 08 tháng 11 2011

Thứ Ba, 08 tháng 11 2011

Coco Chanel: Huyền thoại và Cuộc đời

Coco Chanel là một trong những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng nhất trong mọi thời đại của Pháp. Bà qua đời năm 1971, thọ 87 tuổi. Câu chuyện từ thuở hàn vi cho đến lúc giàu sang của bà đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim, vở kịch cũng như phim truyền hình. Các nhà văn cũng rất hứng thú viết sách về bà. Cuốn "Coco Chanel: The Legend and The Life" là cuốn sách mới nhất về cuộc đời bà mà tác giả và những người khác nói là bí mật cuộc đời bà.


Hình: CAMERA PRESS
Bí quyết của bà Chanel là sự trong sáng, hiện đại, là sự kết hợp giữa tối và sáng, giữa trắng và đen.

Gabrielle là tên thật của bà Chanel.

"Bà là một đứa con hoang. Cha của bà không bao giờ xuất hiện và cũng không có trách nhiệm đối với bà."

Cây bút chuyên viết về thời trang Justine Picardie viết cuốn "Coco Chanel: The Legend and The Life," xin tạm dịch "Coco Chanel: Huyền thoại và Cuộc đời”, đây là cuốn sách mới nhất về nhà thiết kế này.

Mặc dù cha bà luôn vắng mặt, nhưng ông lại có ảnh hưởng rất lớn đến bà.

Justine Picardie nói "Cha bà là một thương nhân luôn đi làm ăn ở hết nơi này tới nơi khác. Ông buôn bán cúc áo và ruy băng, một số những phụ kiện mà quí vị có thể thấy trên các thiết kế của bà Chanel."

Khi bà 11 tuổi, mẹ bà qua đời. Cha bà đã đưa bà vào cô nhi viện. Ở đó bà đã học may vá.

"Bà cũng phát hiện ra những yếu tố đã biến bà trở thành một nhà tạo mẫu thiết kế tuyệt vời, đó là sự kết hợp giữa tối và sáng, giữa trắng và đen. Những viên ngọc trai chiếm phần quan trọng trong thiết kế của Chanel, gợi nhớ nhiều tới xâu tràng hạt của các nữ tu, hay những sợi thắt lưng kiểu dây xích đeo quanh thắt lưng các vị này. Cho tới giờ những chuỗi dây xích nhỏ xíu này vẫn được gắn nơi gấu những chiếc áo khoác của Chanel.”

Bà Chanel đã rời bỏ cô nhi viện và đi hát ở những hộp đêm. Với số tiền của một người tình, bà đã mở một tiệm may mũ ở Paris. Tác giả Picardie cho biết khách hàng của bà rất yêu thích những bộ quần áo bà mặc và muốn có những bộ giống như vậy.

"Thời đó phụ nữ vẫn mặc áo nịt ngực bó sát. Họ mặc những chiếc cái áo đầm chật đến nỗi họ không thể thở được, chứ đừng nói là để đi lại, chạy hay làm việc. Chanel đã loại bỏ những chiếc áo nịt ngực đó và những phụ kiện không cần thiết – ví dụ như bông hoa bằng lông to tướng trên mũ và những màu sắc quá sặc sỡ và gần như tương phản nhau."

Chanel đã sáng tạo ra mẫu thiết kế biểu tượng của thế kỷ 20: chiếc áo đầm nhỏ mầu đen.

Dựa vào những cuộc phỏng vấn với những người quen của bà còn sống, họ hàng và nhân viên của bà cũng như Karl Lagerfeld, giám đốc tạo mẫu của Chanel, Picardie nói rằng bà đã có thể mường tượng ra con người thật của Chanel.

"Bà là tập hợp của các mâu thuẫn, đôi khi không vui và rất cô đơn. Có những giai đoạn khác bà lại vô cùng vui sướng và cảm thấy mãn nguyện vì những thành công trong đời. Nhưng tôi nghĩ rằng sự chối bỏ mà cha bà là người khởi xướng đã tự lặp lại. Và đến cuối đời, mặc dù có một vài người bạn rất thân, nhưng bà vẫn ra đi trong cô đơn.”

Picardie đã đề cập đến việc bà hợp tác với những người Đức chiếm đóng ở Paris hồi Thế chiến thứ Hai.

"Bà đã có quan hệ với một người Đức trong thời gian diễn ra cuộc chiếm đóng ở Paris. Ông là một điệp viên hai mang làm việc cho cả Anh và Đức."

Suzy Menkes là chủ bút chuyên về thời trang của tạp chí International Herald Tribune.

Bà Menkes nói: "Có những người tuyệt vời và đã ra tay giúp đỡ. Tuy nhiên, có những người khác lại hợp tác với Đức và chắc chắn là Coco Chanel đã hợp tác với họ. Nhưng như quí vị đã biết bản thân công ty trong 40 năm qua do một gia đình Do Thái điều hành. Tôi không nghĩ rằng mọi người vì sự hợp tác của bà mà phản đối công ty.”

Nhưng theo tác giả Picardie thì mọi người đã phản đối bà Chanel khi bà quay trở lại Paris vào năm 1954 -- sau thời gian sống lưu vong.

"Báo chí thời trang Pháp đã đăng những bài nhận xét kinh khủng có lẽ để trừng phạt bà. Nhưng trên thực tế, bộ sưu tập mà họ chê bai là một bộ sưu tập tuyệt vời: những chiếc áo khoác vải tuýt, áo khoác len và những bộ vét mềm.”

Thập niên 1950 và 60 là giai đoạn mà bà Chanel nổi tiếng nhất.

"Bà đã thiết kế thời trang cho rất nhiều người nổi tiếng kể cả Brigitte Bardot, Jane Fonda, Elizabeth Taylor và Marilyn Monroe. Chanel cũng thiết kế váy áo cho bà Jackie Kennedy."

Chủ biên về thời trang Suzy Menkes nói: "Bí quyết của bà Chanel là sự trong sáng, hiện đại, đó là ký hiệu của chữ C, và đối với tôi đó là tư duy rất hiện đại, năng động và tiến bộ. Chắc chắn là nhãn hiệu này đã được quản lý rất tốt kể từ khi bà qua đời. Karl Lagerfeld chắc hẳn đã tiếp thêm sức sống mới cho Chanel và ông vẫn tiếp tục làm như vậy."

Menkes nói rằng đó là lý do tại sao Chanel vẫn là một thương hiệu biểu tượng. Nhà thiết kế vẫn sống mãi như tự thân của nguồn cảm hứng.
source
VOA Vietnamese

Sunday, 5 February 2012

Nhiều tiền để làm gì?


Thứ Bảy, 04/02/2012 - 15:18

Nhiều tiền để làm gì?

Người thứ nhất là M., tôi gặp lần đầu từ nhà anh trai mình ở Cần Thơ. M. khoảng năm mươi tuổi, ở góc độ sinh học, đây là tuổi quá chín, trên đỉnh, hay nói đang tàn là được. Nhưng M. trẻ hơn tuổi rất nhiều. Da mịn, mũi thanh, môi nét, mày nâu, mắt vành vạnh đẹp.
Chị dâu ghé tai tôi ganh tỵ: “Dân doanh nghiệp nhiều tiền, các bà hay đi Sing, đi Nhật làm thẩm mỹ đó mà”.

Quả nhiên M. có vẻ đẹp của diễn viên Hàn Quốc, không mấy tự nhiên. Nhưng phải công nhận là đẹp, vẻ sang trọng hoàn hảo khiến đàn ông muốn sán lại gần và đàn bà thì muốn đứng xa xa ngắm trộm.

Từ dạo đó M. hay gọi cho tôi nói chuyện khào. Khào là phiếm, là tào lao, trên trời dưới biển. Nhưng thời gian là vàng bạc, câu ấy chí lý hơn hết với mọi doanh nhân.

Không thể không có nội dung trong những cú phôn của M. Bộc bạch, khoe vui, than buồn, nói lửng… tất cả đều dẫn đến một mục đích: M. muốn tâm sự, thế thôi.

Tôi làm tư vấn gia đình mười năm cho một tờ báo, những “nùi” tơ lòng khắp nơi gửi đến cho tôi qua thư bưu chính, qua e-mail, tuần nào cũng cho tôi nhìn thấy những góc đời, như tôi có nhiều con mắt khắp nơi. Nhưng điện thoại như M. thật hãn hữu.

Xem nào M. là con gái một cán bộ hồi kết, tốt nghiệp Đại học sư phạm Văn nhưng lao vào thương trường lúa gạo thời đất nước trở mình.

Chồng M. lúc ấy làm ở sở ngoại vụ, nhàn tản với mớ tiếng Nga lưng vốn. M. bắt đầu bị “guồng quay điều khiển” – từ của M. – khi để cho các nhà máy xay xát ở các tỉnh “bắt cóc” ngày và đêm của một người đàn bà trẻ.

Gạo trắng quá nên ham, mùi của thành quả chứ không phải mùi của tiền nó ngầy ngà thơm thảo. Báo hiếu cha mẹ hai bên, nuôi người của họ mạc, gây dựng cơ nghiệp cho em út và đẩy con lên bệ phóng…

Trong một lần vào kho kiểm tra, M. bị một bao gạo trượt vào xương sống. Người chồng lép vế được dịp chì chiết: “ thấy chưa, tiền vô đó, nhiều tiền để làm gì, thấy chưa?”.

M. than thở: Cái thứ xương sống tổn hại này chơi khăm em, gần chồng thì nó trở chứng mà xa chồng thì nó sân sẩn như thường!”.

Đó là những lúc M. điện thoại cho tôi dày hơn, hầu hết vào đêm khuya, khi tỉnh này khi tỉnh kia, khi Sài Gòn khi Hà Nội và có khi đang ở Thái Lan, ở Mỹ. Giọng nói, cách nói, nhịp thở, thậm chí mùi của nỗi niềm mà tôi nghe thấy cho tôi hình dung M. đang sắp ngã quỵ dưới cái ách của mình.

Người thứ hai là B.

Thiên ngộ viết lách đã cho tôi cơ hội với B. Một chuyến xe lên nhà B. trên phố trung tâm cho biết, đến công ty B. tham quan, về nhà B. ăn bữa cơm gia đình và được mời cộng tác.

Ấn tượng của tôi về B. thì la liệt, vì tôi là cái ngữ thích trữ chi tiết. Mùi thơm của chiếc ô tô B. đi nói với tôi về vẻ sành điệu của một bà chủ trẻ. Những món trang sức trên người B. thật tinh tế, vừa phải. ngôi nhà nép trong ngõ cạn ở trung tâm cho tôi sự phân vân:

B. giỏi giang hay may mắn? B. từ miền Bắc vào với hai bàn tay trắng, đi lên bằng mười năm bằng khôn lanh hay có bí mật nào? Những công ty của B. đi tắt đón đầu hay là chỗ rửa tiền của ai?

Bố mẹ B. như hai quản gia tận tụy, bữa cơm đặc trưng kiểu Bắc và càng sâu bên trong ngôi nhà, những căn phòng bí mật cứ mở ra, như thiên cung trên mặt dất không khiêm tốn chút nào. B. chỉ cho tôi ngắm một tủ giày hàng hiệu, những tủ áo váy có thể sánh với các ngôi sao Hollywood và những chiếc túi xách như một của hàng!

Tôi được mời spa trong phòng ngủ của B., thiên đường chắc cũng dễ chịu cỡ này mà thôi.

B. để tôi tự do với cơ ngơi của B. và nàng bảo tôi phải đi có việc. Tôi được bố mẹ B. mời trà trong phòng khách, ánh sáng êm đềm của khách sạn 5 sao và những chiếc tách, không biết tả thế nào nữa. Nhưng tôi vẫn thấy chạnh lòng, thiếu vắng?

Hỏi người đàn ông của B. đâu, các con của B. đâu, đang ở trường, hay là… Ông bố và bà mẹ chân quê ấy của B. bấy giờ mới bắt đầu câu chuyện của họ.

Rằng ông bà vào Nam thì được mà không ra Bắc được vì “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Chồng nó có trang trại cao su ở Bình Phước, chẳng mấy khi về, chồng một vương quốc, vợ một vương quốc, ai cũng muốn làm vua nên hai đứa hai nơi, một bữa cơm chung còn khó!

Con thì lớp 10 đã tống sang Anh, ăn học đến năm chục triệu đồng mỗi tháng, có mà điên! Đứa nhỏ mới tiểu học đã cho đi học trường Mỹ tại đây, có tiền tội gì đi trường công Việt Nam cho bọn họ hành! Vậy đấy! Nhà cửa như cung điện, chúng tôi mà ra Bắc thì bọn người làm có mà dọn sạch đồ!

Tiền để mà chi, khối nhà người ta gia sản chưa bằng một chiếc ô tô nhà nó mà vợ chồng con cái quây quần bên nhau hàng đêm, cũng đâu có phải không ra con người! Tiền để chi mà nhiều vậy không biết!

Cộng tác với B. vài lần tôi cũng tháo lui, vì công ty truyền thông của B. không phải là nơi mình có thể ký thác những vấn đề của báo chí nghiêm chỉnh.

Người thứ ba là T.

Một tiến sĩ ngữ văn kiêm giám đốc một công ty sách và thiết bị trường học. T. ở Hà Nội, hay tạt qua chỗ tôi mỗi khi bay vào Sài Gòn có việc.

Căn hộ có hệ thống chung cư cũ thì khỏi phải nói, những vũng nước mỗi khi triều cường hỏi thăm, rác lá đầy trong cống hở, những dây quần áo trong công viên bị chiếm dụng và những chiếc cầu thang bộ nhem nhuốc màu thời gian.

Nhưng lần nào T. cũng trầm trồ ngay khi thả mình xuống salon nhà tôi, em chỉ mong một thời gian như chị, túi tiền như chị và thời gian rộng của chị! Sao, em có nói ngược không đó? Nhìn cách T. thả lòng người, cách T. không trêu chọc chúng tôi. T. định nghĩa cuộc sống của chúng tôi là “tới cõi”.

Chỉ một thế hệ sau tôi mà đã quá khác. T. có tất cả nhờ Hà Nội: học lên dễ dàng, vào guồng bằng vài món bất động sản và từ đó gây dựng công ty.

Không biết từ bao giờ, người chồng của T. đứng lại bên ngoài cái guồng đó, cắm cúi với công sở và ngôi nhà mà anh ta bảo sẽ “sống chết cùng với nó” (chắc là tại hai đứa con của họ sinh ra tại đây). T. nhất quyết đánh đổi, cũng dễ hiểu thôi, cái ngõ ấy ô tô không ra vào được! Thế là tan.

Một người đàn ông khác xuất hiện, T. lập luận, tài giỏi gì thì cũng phải có người chống lưng chứ. Bắt đầu cảnh con anh con tôi. Anh còn đẽo tiền của T. để thầm lặng mua đất xây nhà cho vợ cũ của anh ở trong quê ra Hà Nội đổi đời. T. tặc lưỡi, thôi, dù gì họ cũng có với nhau ba mặt con!

Sau câu chuyện ấy T. tạt qua chỗ tôi thường hơn, bảo không thiết làm ra tiền, không thiết nhà cao cửa rộng, không thiết gì nữa cả.

Nhưng chẳng lẽ lại bỏ lửng anh chàng này nữa, chẳng lẽ có hai đứa con “chết đi với sự học trong nước”, chẳng lẽ đóng cửa công ty để hàng chục con người mất việc, chẳng lẽ…

Tôi vốn khâm phục những doanh nhân kiếm ra đồng tiền để nuôi người lao động. Họ như một đội quân đạp trên gai để tìm ra con đường nhỏ của mình. Hàng triệu con đường trên mặt đất chông gai.

Với nữ doanh nhân, tôi càng muốn nghiêng mình khâm phục. nhưng tiền là quyền lực, bập sâu vào nó như thể ngồi trên ngai, bước xuống không dễ, tìm được sự quân bình lại không dễ. chồng lánh, con rời, thời gian sống cho chính mình còn không có là chuyện khá thường xảy ra.

Tôi thường ngắm họ trên ti vi, trên sân khấu các giải thưởng và trên sân khấu cuộc đời, ngắm và không khỏi những suy nghĩ đàn bà khác nhau: Đủ chưa chắc đã sướng, giàu chưa chắc đã biết một bữa ngon đúng nghĩa và nhiều tiền chưa chắc đã đem được hạnh phúc về.

Đó là nghịch lý của việc làm ra tiền, nhưng biết làm sao!

Theo TBKT
source
http://dddn.com.vn/2012020310331400cat44/nhieu-tien-de-lam-gi.htm